Những năm 2010, vào độ tuổi vừa ngoài 30 như tôi thật chẳng bao chờ dám nghĩ mình có thể lần lượt được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tin tưởng giao phó triển khai những sự kiện quan trọng của địa phương và chấp bút viết những đề án tư vấn có ý nghĩa kinh tế xã hội lớn như “Đề án Phát triển du lịch” rồi tiếp đó là “Đề án tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp” nếu như ở nơi xứ sở Sen Hồng ấy không có một người lãnh đạo đáng kính như Anh.

Tuy là người lãnh đạo cao nhất địa phương nhưng mọi người đều quen gọi Anh bằng những cái danh xưng thân mật như “Anh sáu”, “Anh sáu sen”. Còn chính Anh khi viết những bài báo chính luận cũng dí dỏm tự đặt cho mình nickname “Xích Lô” dân dã. Nói đến đây chắc có lẽ mọi người đều biết, người đó không ai khác chính là nguyên Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp – Lê Minh Hoan (hiện đang là Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)
Là nhân vật từng được bình chọn “Bí thư tỉnh uỷ của năm” nên báo chí, cộng sự và bè bạn đã viết về Anh quá nhiều đến nỗi tìm một khoảng trống để nói về Anh quả thật là một việc vô cùng khó. Nhưng điểm chung nhất tôi tin rằng bất cứ ai từng tiếp xúc qua với Anh sẽ đều tìm thấy ở Anh có một sức hút kỳ lạ như nam châm. Tôi tin rằng chính nhờ sức hút kỳ lạ đó mà trong vai trò là người lãnh đạo cao nhất tại địa phương, khi ở trong một tập thể lớn, Anh như một chất keo kết dính từng người đang khác về quan điểm, có thể cùng ngồi lại với nhau để giải quyết mọi vấn đề. Nếu nói Anh là cầu nối thì có lẽ vẫn chưa đủ mà phải là một đầu mối giao tiếp vạn năng (Universal hub).

Nhiều năm có dịp tiếp xúc với Anh, trong con mắt của một người làm nghiên cứu, tôi cũng từng đặt câu hỏi: yếu tố nào đã giúp Anh có khả năng trở thành loại keo kết dính thần kỳ đó?
Theo tôi, trước hết, Anh là người thích cái mới và không chịu đi theo lối mòn tư duy. Có lẽ vì thế mà Anh rất hứng thú những người trẻ làm nghề tổ chức sự kiện, những bạn trẻ khởi nghiệp và những ý tưởng đổi mới của cấp dưới. Theo Anh, các thông tin tuyên truyền kiểu cũ cần được truyền tải bằng các phương tiện công nghệ mới, có thiết kế thẩm mỹ và thông điệp giàu cảm xúc. Anh muốn báo cáo hội họp phải được trình bày bằng powerpoint cô đọng thay cho cầm văn bản đọc. Anh thích xem chúng tôi giới thiệu về sen Đồng Tháp bằng nghệ thuật sắp đặt, công nghệ ánh sáng… Sau tất cả, tôi hiểu rằng, Anh muốn cho lãnh đạo địa phương và người dân quê Anh thấy rằng chính các ý tưởng sáng tạo, sự đổi mới trong cách nghĩ cách làm mới thật sự giúp Đồng Tháp phát triển và trở nên thịnh vượng.
Tiếp đó, có lẽ là khả năng lắng nghe của Anh. Anh say mê lắng nghe những người trẻ như chúng tôi thuyết trình về những ý tưởng mới. Anh chịu khó lắng nghe người nông dân trình bày gút mắc, lắng nghe doanh nghiệp bày tỏ bức xúc. Rồi Anh cũng không vội kết luận ngay cho đến khi nghe xong hết tất cả các ý kiến góp ý thuận chiều lẫn trái chiều cho một vấn đề. Nhờ lắng nghe Anh hiểu rõ đâu là chỗ chưa gặp nhau giữa thế hệ trẻ và thế hệ đi trước, đâu là chỗ mâu thuẫn giữa doanh nhân và chính quyền, đâu là điểm bất đồng trong lợi ích giữa nông dân và thương lái… Cũng do lắng nghe kỹ nên Anh hiểu rất rõ các ý tưởng mà người trình bày muốn nói và có thể giải thích nó lại với các đối tượng khác theo cách riêng của Anh một cách chi tiết, bình dị và rõ ràng. Ở điểm này Anh không chỉ là một “một đầu mối giao tiếp vạn năng” mà còn kiêm luôn một thiết bị “chuyển đổi thông tin đa hệ”. Người ta nói, nói là một loại năng lực nhưng im lặng để lắng nghe lại là một loại trí tuệ. Anh là người có thứ trí tuệ đó!
Tuy nhiên, ý tưởng sáng tạo và táo bạo sẽ luôn hàm chứa nhiều rủi ro trong triển khai. Anh hiểu điều đó nhưng vẫn luôn đặt niềm tin vào những người được Anh giao phó triển khai ý tưởng mới. Anh luôn gần gũi động viên (kiêm ngấm ngầm giám sát) công việc chúng tôi triển khai bằng những quả bắp luộc, gương sen tươi để “ăn vào cho ấm lòng chiến sĩ” theo cách nói của Anh mỗi khi chúng tôi bước vào cao điểm triển khai các sự kiện. Niềm tin lại được đáp trả bằng niềm tin. Chính chúng tôi cũng quyết tâm hết mình để không phụ lòng mong mỏi đó. Chúng tôi từng xem Đồng Tháp là quê hương thứ hai để gắn bó chứ không đơn thuần là một nơi đến để mưu sinh kiếm tiền. Tôi cũng tin những ai đã và đang chọn Đồng Tháp làm nơi đầu tư, sinh sống do từng tiếp xúc với Anh sẽ cùng có chung suy nghĩ này. Chất kết dính của khối đại đoàn kết toàn tỉnh Đồng Tháp có lẽ đã và đang tạo nên tự sự tin tưởng lẫn nhau!
Tầm nhìn bao quát, nhất quán và dài hạn cũng là một ưu điểm trong phong cách lãnh đạo của Anh. Sau khi đề án phát triển du lịch đi vào thực tiễn được 1 năm, Anh tâm sự với tôi rằng, các đề án lớn hiện có của tỉnh như Tái cơ cấu nông nghiệp, Phát triển du lịch, Xuất khẩu lao động, Cải cách hành chính…dường như đang bị xem như là những đề án rời rạc, không khéo sẽ có chuyện trống đánh xuôi kè thổi ngược và sẽ bị thay đổi sau mỗi nhiệm kỳ. Do đó cần phải làm “một cái gì đó” để kết nối chúng lại dưới một tầm nhìn chung dài hạn hơn, mang thông điệp dễ hiểu nhưng giàu cảm xúc để toàn thể hệ thống chính trị cùng chung sức đưa hương sen Đồng Tháp vươn xa. Và mong muốn ấy của Anh cũng chính là “đơn đặt hàng” để tôi cho ra đời “Đề án tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp”.
Có thể nói, chính những tố chất “Đổi mới sáng tạo – Lắng nghe để kết nối – tin tưởng đồng hành – tầm nhìn bao quát” vốn tồn tại trong Anh đã được thổi bùng lên thành giá trị và tầm nhìn chung cho toàn thể hệ thống chính trị Đồng Tháp đã và đang hướng tới. “Đề án tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp” mà tôi chấp bút thật ra chỉ là sự chép lại có hệ thống những tư duy và suy tư mà Anh ấy mong muốn cho quê hương mình. Và có lẽ cũng chỉ thông qua một lãnh đạo như Anh, “Đề án tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp” mới có được những thành quả ban đầu như ngày hôm nay: không những không qua việc Anh lãnh đạo bộ máy chính quyền địa phương mà còn nhờ những bài viết đậm chất truyền cảm hứng nhưng luôn vẫn luôn ngấm ngầm truyền tải xây dựng thương hiệu địa phương. Giúp cho Đồng Tháp đang tạo những giá trị xanh từ những tiềm năng xanh. Giúp cho Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen đang dần thoát ra lời nguyền khuất nẻo. Giúp cho chính quyền Đồng Tháp trở thành một điển hình của người đồng hành cùng doanh nghiệp.
Gần 10 năm gắn bó với Đồng Tháp có lẽ là quãng thời gian đáng nhớ nhất nhưng cũng giàu thử thách trong cuộc đời một chuyên gia tư vấn. Ở đó, thông qua những “lời đặt hàng” từ Anh, tôi cũng trưởng thành hơn và đang hạnh phúc chứng kiến các ý tưởng của mình được ban lãnh đạo tỉnh trân trọng và thành công đi vào cuộc sống.
Hy vọng trong cương vị mới, anh không chỉ đóng góp nhiều hơn thương hiệu Đồng Tháp mà còn giúp đưa thương hiệu Nông sản Việt Nam và cả đất nước Việt Nam vươn xa!
Lương Hà