Năm 2010 của tôi (8)
Chủ nhiệm J để tôi đứng dậy là có lý do để tôi đứng dậy. Đồng thời, ông ấy cũng có thủ thuật và giải pháp phòng trị cột sống tôi bị gãy. Đó là: làm xạ trị những phần xương chịu lực quan trọng.
Nói về hình chụp CT của tôi, các kết quả scan xương đều vô cùng bi đát, nhìn vô cả tấm phim là một màu đen ngòm, như một thân cây bị mối mọt đục khoét lâu năm lắm rồi. Chủ nhiệm J ngồi ở trong phòng xem ảnh CT cách ly bằng kính lâu thật lâu, không biết phải ra tay bằng cách nào. Bởi vì xạ trị là con dao hai lưỡi, tuy là thủ pháp trị liệu nhưng cũng là vũ khí sát nhân, tình huống của tôi phải cân nhắc kỹ lưỡng, nếu bắn phóng xạ vô tất cả những nơi cần trị thì tôi sẽ trở thành một con heo quay đúng nghĩa.
Chủ nhiệm J chạy như bay ra khỏi phòng kính, nói với bệnh nhân đang nằm trên giường chụp đợi định vị trí xạ trị là tôi: “Vu Quyên, cô có con nhỏ phải không?”
“Tôi có đứa con trai, 14 tháng”
“Ờ, vậy thì được”. Chủ nhiệm J khẽ mỉm cười nói: “Vu Quyên tôi muốn thương lượng với cô một chuyện, tôi chuẩn bị tịnh thân cho cô” .
“Tịnh thân là gì?”
“Tịnh thân là dùng phóng xạ cắt bỏ buồng trứng của cô”. Chủ nhiệm J khi nói những lời, khẩu khí bình tĩnh nhưng cũng không cầm được một chút xúc động.
Tôi không biết phản ứng và biểu cảm của tôi lúc đó thế nào. Chủ nhiệm J cũng không ngờ, bởi vì trong mắt ông ta, tôi là một phụ nữ khác thường phàm chuyện gì cũng không câu nệ so đo tiểu tiết, bởi không có mấy phụ nữ tuổi 30 nào như tôi mặt mày hớn hở bưng cặp vú đi yêu cầu phẫu thuật cắt bỏ. Phản ứng của tôi có lẽ vượt xa ngoài dự đoán của ông ấy.
Vâng, tôi câu nệ buồng trứng nhiều hơn câu nệ cặp vú. Trong thế giới quan của tôi, trước giờ phần chìm ẩn bên trong nó quý giá và quan trọng hơn là phần bên ngoài hào nhoáng. Nếu có 2 cửa hiệu thời trang đẳng cấp cao thấp khác nhau thanh lý kho bảo tôi tùy thích lấy miễn phí 1 cái áo lót và 1 cái áo khoác. Tôi sẽ thà chọn áo lót CK và áo khoác Semir (thương hiệu nội địa_ND).
Tuy phụ nữ thế gian đều mong muốn tạo hình nâng ngực, tôi thật sự không hề để tâm chuyện đi ở của cặp ngực. Tuy phụ nữ thế gian ít để tâm đến cái linh kiện buồng trứng, tôi lại thật sự không muốn không muốn không muốn chạm tới phần biểu trưng nữ tính được chôn sâu bên trong cơ thể này.
“Vậy được, tôi cho cô một tháng, hôm nay không cắt cho cô, để xem xem kết quả điều trị một tháng sau thế nào, nhưng chuyện này cô vẫn phải cân nhắc đi. Vạn bất đắc dĩ thì tôi đành phải ra tay. Bởi vì bệnh của cô , kích tố nữ quá cao nhất định là có liên quan”. Chủ nhiệm J thở dài, nói một cách không chút xót thương.
Từ khi tôi mắc bệnh, giờ nào phút nào cũng cứ gặp phải những vấn đề mang tính thử thách kiểu như vậy, có lúc thuộc về tâm lý, có lúc thuộc về sinh lý, có lúc là về giá trị quan và có lúc là thế giới quan. Cái căn bệnh đến đột ngột này cứ như là đưa tôi đến lò rèn, để sau khi nung chảy xương thịt sẽ đúc mới lại vậy.
Trong khoảng thời gian đó, vấn đề tôi và Đầu Trọc đàm luận phần nhiều là: tôi có nên tịnh thân không, có nên tiếc nuối buồng trứng. Nếu trên vấn đề cắt vú, tôi và Đầu Trọc suy nghĩ thống nhất cùng chiến tuyến. Nhưng trên vấn đề buồng trứng, chúng tôi ý kiến bất đồng, mỗi người một thái cực. Tôi quá biết buồng trứng với người phụ nữ mang ý nghĩa gì, nó có công năng sinh sản chứ không phải là vật trang trí có hay không cũng được như bầu vú.
Tôi vẫn còn muốn sinh thêm một đứa con gái nữa, tôi vẫn còn muốn xin đi làm “visiting scholar” (Học giả, nhà nghiên cứu đi đến một trường khác để làm nghiên cứu_ND) hai năm ở đại học Havard, giống ngôi sao Trầm MM đi Mỹ làm mẹ. Cắt bỏ buồng trứng rồi, đồng nghĩa với tôi từ đây mất năng lực cốt lõi nhất của người phụ nữ. Hơn nữa, tôi còn biết rõ, không có buồng trứng tôi sẽ đối mặt với các triệu chứng nóng nảy bộp chộp, trầm cảm, giảm trí nhớ, mất tập trung, đa nghi, cao huyết áp, đánh trống ngực, chóng mặt, toàn thân mỏi mệt…Còn nữa, tôi sẽ đột nhiên già đi nhanh chóng, 3-5 năm sau, tôi và Đầu Trọc cùng đi ra ngoài người ta sẽ nghĩ tôi là mẹ anh ấy. Mà trước giờ mọi người đều tưởng tôi là con gái anh ấy, nhất là lúc ở Nhật Bản.
Đầu Trọc thì không, anh ấy nói không quan tâm chuyện tôi già nhanh, không bận tâm tôi còn có thể sinh đẻ tiếp nữa không, anh ấy chỉ bận tâm tôi, chỉ lo chuyện sống chết của tôi. Chỉ nói mãi một câu nói: tính mạng em cũng muốn, buồng trứng em cũng muốn, không thể có cả hai, đành bỏ buồng trứng để mà giữ mạng.
Đoạn tranh luận kinh điển và hấp dẫn này may mắn được tôi thu lại trong lúc tôi đang làm transcript (viết nội dung phỏng vấn ra thành chữ_ND), có lúc nghe lại thấy mình lúc đó thật đáng cười, lúc đó tính mạng ngàn cân treo sợi tóc khó lòng giữ được mà còn nghĩ tới cái chuyện già nhanh. Được già thì hay quá rồi, đằng này sống chết còn chưa biết. Giờ nghĩ lại, kích cóp được từng giọt sinh mệnh là hạnh phúc lớn nhất rồi.
Vấn đề buồng trứng làm tôi ray rứt rất lâu, đối với một phụ nữ trẻ như tôi mà nói quả là một chuyện không dễ dàng từ bỏ. Chết hoàn chỉnh hay sống làm một kẻ bất nam bất nữ, người không ra người quỷ không ra quỷ, khi ấy quả thật là một câu hỏi lớn. Nhưng rồi sau đó câu hỏi này trở nên rất buồn cười: người sống nếu là vì mình, thì dù chết đi sống lại một ngàn lần thì tôi vẫn như đã chết rồi, nhưng con người đích thực không phải sống vì mình. Sứ mạng cuộc đời tôi vừa mới bắt đầu, dù gì đi nữa, tôi còn phải làm hết trách nhiệm người con lo việc phụng dưỡng tang tế cho cha mẹ, không thể để cho hai cụ tuổi già không nơi nương tựa. Tôi còn phải làm trách nhiệm người mẹ với đứa con trai 14 tháng tuổi. Tôi đã mang nó đến thế gian này thì không thể bỏ mặc nó. Đầu Trọc thì không lo lắm, tôi cảm thấy không có tôi thì anh ấy vẫn còn sống được, chỉ cần tìm mới một người thay thế tôi với số “vốn và chi phí vận hành” cao hơn là được.
Cho nên tôi phải như chị Lưu Hồ Lan ngẩng cao đầu cười một tràng dài ngạo nghễ: “Vú có gì đâu mà quý giá, buồng trứng thì dù cao cá hơn nhưng vì tính mạng, cả hai thứ đó đều bỏ được! Để được sống có gì mà không dám từ bỏ! “
May mắn của tôi là ở chỗ, tất cả những suy nghĩ trên đây đều sự sự chuẩn bị tâm lý chiến đấu của tôi. Một tháng sau, việc chữa trị của tôi vô cùng tốt, chủ nhiệm J từ đó “buông tha” cho tôi. Tôi vẫn còn buồng trứng, trên một ý nghĩa nào đó, tôi vẫn là một người phụ nữ hoàn chỉnh. Tôi thật sự mừng cho sự do dự của mình và cảm tích lòng nhân từ của chủ nhiệm J.
Bởi vì chị Lưu, sau khi cắt bỏ, sang năm thứ 2 đã qua đời. Tôi thoát được việc tịnh thân, nhưng thoát không được việc xạ trị. Xạ trị, trong phòng bệnh thường gọi là chiếu xạ, là một trong 3 phương pháp điều trị ung thư phổ biến. Đó là cách dùng các loại tia phóng xạ có cường độ khác nhau ức chế và tiêu diệt tế bào ung thư. Thông thường bệnh nhân trước khi phẫu thuật phải làm xạ trị, có thể làm cho thể tích khối ung thư nhỏ đi một chút, giúp cho những trường hợp vốn không thể làm được phẫu thuật có thể có cơ hội phẫu thuật. Đối với một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối như tôi, xạ trị là cách dễ dàng nhất, thông qua liệu pháp “xạ trị giảm nhẹ” giúp giảm bớt áp lực, đau đớn…Quá trình xạ thì không đau, nhưng kết quả thì vô cùng đáng sợ. Lúc tôi còn chưa được thu xếp xạ trị, trong phòng bệnh có dì Giang đang chịu cơn hành hạ của xạ trị. Vị trí xạ trị là phần ngực dưới cổ, liều bình thường thường, số lần bình thường, loại tia bình thường. Nhưng mấy cái bình thường ấy xem rồi tôi sởn tóc gáy. Một bầu ngực phụ nữ mơn mởn, chiếu xạ xong trông như con vịt quay trong lò nướng.
Ngoài bản thân mình, không có ai hiểu được cảm nhận thật sự khi miếng thịt trước ngực bị nướng ra nông nỗi đó. Dì Giang đi hỏi bác sĩ phải xử lý thế nào, báo sĩ bảo dì lấy thuốc tím bôi. Không dè thuốc này không bôi thì thôi, hễ bôi rồi thì thật kinh khủng. Ngoài mặt biểu bì tựa chừng như đã xử lý được, không còn rỉ dịch trắng và mủ. Nhưng dưới lớp da bị cháy đó thì rữa ra thấy sợ.
May mà chuyện này xảy ra với dì Giang thần thông quảng đại, dì không còn u mê vào hào quang của vị bác sĩ danh tiếng của Thượng Hải kia nữa, chuyển về bệnh viện nhỏ ở quê nhà. Hàng ngày chạy đi vô khoa bỏng của bệnh viện, vệ sinh từng lớp da chết, lau khô nước mủ. Thời gian có thể mang đi theo mọi khổ đau, dù bạn khi đó từng cho rằng cơn ấy chịu nổi hay không nổi cũng vậy. Không lâu sau đó, dì Giang như nhành cây đâm chồi mới quay trở lại tái khám, phần trên ngực dưới cổ quấn chiếc khăn hoa, hoàn toàn không nhận ra đã từng trải qua những lần bị giày xéo.
Thực ra chém đầu không đáng sợ, sợ nhất là giết gà dọa khỉ. Phóng xạ không đáng sợ, sợ nhất là nhìn thấy bạn bệnh trước mặt bị nướng khét. Nỗi khổ của tôi là mình luôn là những con bị bị nhìn thấy gà bị giết, luôn là bệnh nhân phải xếp hàng đợi xử tội sau tận mắt chứng bạn bệnh bị xử hình.
Chủ nhiệm J xạ trị cho tôi chỗ xương cột sống lưng. Da sau lưng cháy khét không thuốc nào cứu chữa. Phần da đó sau này trở nên vừa ngứa vừa tê. Tôi tựa hồ luôn phải những thử thách đặc thù: tôi bị di căn vô xương quá nghiêm trọng, việc tôi đứng dậy đã gây nên vô số tranh luận giữa các bác sĩ. Cho nên thời gian tôi phải nằm khá nhiều, kế nữa, do phải dùng thuốc, tôi bắt đầu xuất mồ hôi rất nhiều, người nhà phải mang drap vô lót dưới người tôi, một ngày thay 2-3 lần mà tấm nào vắt cũng ra nước.
Mấy ngày đầu xuân tháng 2, tháng 3, một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nằm trên giường hơn 20 tiếng mỗi ngày khi khắp người đổ mồ hôi suốt, lại còn phải đối mặt với phần lưng bị nướng khét. Không bị viêm thấm mồ hôi chỗ vết thương cháy khét thì là bị mấy đốm lở loét ở da to như hạt đậu. Tôi khi ấy đang trải qua hóa trị liều cao, tấm thân yếu ớt với bạch cầu chỉ có 1000 chưa chắc đề kháng được.
Bây giờ nghĩ lại, không rõ những ngày đó đã trải qua thế nào, nhưng cũng đã trải qua rồi. Tôi không phải là tín đồ Cơ Đốc, nhưng tôi biết Jesus sau 3 ngày chịu khổ nạn thì là Lễ phục sinh. Tôi không phải thánh nhân, nhưng tôi biết được những ngày còn khổ nạn nhiều hơn thế. Thời gian sẽ biến chúng thành quá khứ.
Bởi vì hóa trị và xạ trị cùng luân phiên tiến hành, bao tử tôi thật ra ăn không tiêu, ói mửa liên miên, chóng mặt suốt. Tôi không đủ kiên trì làm đủ số lần xạ trị mà chủ nhiệm J chỉ định cho tôi. Sau đó, khi cơ thể miễn cưỡng cầm cự được, đi tư vấn chủ nhiệm J, lời đề nghị của ông ấy là hủy hẹn lấy lại tiền chứ không khuyên tôi làm đủ số lần xạ trị : “Cô tưởng xạ trị là cái gì hay ho sao, có thể không làm thì đừng làm nữa!”. Tôi càng thêm thích chủ nhiệm J, bởi vì ông ấy trước giờ luôn quý trọng thân thể người bệnh. Ông ấy trước giờ không hề bảo uống thuốc thêm hay bắn xạ thêm chút nữa đi. Có điều, ông ấy chưa bao giờ nhớ được chính xác tên tôi.
Bi kịch của tôi nằm ở chỗ, một mặt nhận hóa trị, một đằng chỉ tiêu tăng cao. Nhưng mà mong muốn được sống và sự vô tri khiến tôi trong tình trạng các chỉ tiêu tăng cao, cắn răng tiếp nhận đủ số lần hóa trị mà thân thể còn có thể chịu đựng được. Mãi đến sau này, đành phải dùng tới Herceptin.
Herceptin là vũ khí hạt nhân hạng nặng của bệnh nhân ung thư vú dương tính với Her2. Giống như bom nguyên tử hồi thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2. Một chai nhỏ xíu như thuốc nhỏ mắt giá 25.000 tệ mà bảo hiểm y tế không chi trả. Nhưng nó là biệt dược đặc trị, nó hữu dụng, tác dụng phụ của nó ít so với các thuốc hóa trị thông thường. Thế nên vô số người nhà bệnh nhân giống như Đầu Trọc phải bằng mọi giá kiếm tiền, bán nhà, mượn tiền, quỵt nợ để có được cái chai nho nhỏ đó, để người thân của mình có được bình yên trong 21 ngày.
Đầu Trọc xuất thân dân khoa học, cầm tờ hướng dẫn đọc ngấu nghiến, sau đó lòng đầy âu lo. Tuy bác sĩ nói Herceptin tác dụng phụ ít, rất an toàn nhưng tờ hướng dẫn giấy trắng mực đen ghi rõ ràng:
Tổng quát: gây đau bụng, chấn thương không lường trước, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực, ớn lạnh, sốt, các triệu chứng giống như lạnh, nhức đầu, nhiễm trùng, đau cổ, đau.
Tim mạch: làm giãn mạch.
Tiêu hóa: gây chán ăn, táo bón, tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi, nôn mửa và buồn nôn.
Trao đổi chất: Phù ngoại biên, phù nước.
Cơ xương khớp: đau khớp, đau cơ.
Hệ thần kinh: lo âu, trầm cảm, chóng mặt, mất ngủ, lơ mơ.
Hô hấp: hen, ho gia tăng, khó thở, đau dây thần kinh, bệnh phổi, tràn dịch màng phổi, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang.
Da: ngứa, phát ban.
Đầu Trọc hoang mang, giống như con chuột bị nhốt trong hộp chạy qua chạy lại mấy lần trong hành lang, cuối cùng quyết định đi tìm bác sĩ hỏi cho chắc. Nhưng mà mọi bác sĩ đều trả lời cùng một giuộc: yên tâm đi, nếu anh thận trọng quá coi tờ thuyết minh của mọi loại thuốc đều sẽ sợ chết. Chúng tôi bao nhiêu bệnh nhân ở đây đều cho dùng qua Herceptin, không một ai có vấn đề, chưa hề có tiền lệ, anh sợ cái gì?
Bất hạnh của tôi là: tôi trở thành tiền lệ đầu tiên trong lịch sử của bệnh viện J có phản ứng với Herceptin!
Dịch thuốc sau khi được pha loãng biến thành một túi dung dịch trong suốt cỡ bịt sữa đậu nành. Lúc đầu truyền tĩnh mạch rất êm, chừng chưa đầy năm phút, vốn đang nằm trên giường mắt nhắm mắt tôi bắt đầu thấy lồng ngực lạnh khác thường, cảm thấy tất cả các kinh mạch huyết dịch như đổ vô tim, chân tay cảm thấy lạnh và mất hết cảm giác. Tôi cố dùng hết sức mạnh của cơ thể để gắng gượng, ôm lấy trái tim mình, nhưng tôi đã không thể nói ra lời, tôi biết rất rõ rằng tôi đã xuất hiện tác dụng phụ của 5% bệnh nhân mắc phải.
Đầu Trọc nhảy bắn lên, bấm điên cuồng vào nút cấp cứu, sau đó lao ra ngoài kêu gọi viện binh. May mắn thay, bác sĩ X rất thân với chúng tôi vẫn còn đang ở đó. Bác sĩ X lưng hơi gù đeo kính mắt nghe nói lúc đó thế như tên bắn vớ ngay máy đo huyết áp từ phòng y tá chạy băng băng qua phòng bệnh. Cái mạng tôi lớn trúng ngay ca trực của y tá đồng hương Đổng Hiểu Tinh. Không đợi bác sĩ lên tiếng đã túm mấy dụng cụ cấp cứu quăng bỏ lên khay liền. Tiếp đến bác sĩ X chạy tới, ngay tức thì chích cho tôi N mũi thuốc.
Mạch tôi không còn đập nữa, huyết áp cận dưới hình như xuống còn 24, còn cận trên cao không bằng cận dưới của người bình thường. Sau đó một đám y tá bác sĩ chạy tới, tôi bị lôi ra chích thuốc, đè xuống giường chích, lật mông lên chích, lần theo tĩnh mạch cánh tay chích. Tôi khi đó không nhớ rõ tình huống nhưng tôi biết lấy làm khó hiểu là chích nhiều quá xá cỡ. Phản ứng với việc không biết mình bị chích cái gì vô số lần càng khiến cảm thấy khó chịu.
Bác sĩ X và bác sĩ C rất sợ tôi xảy ra nguy hiểm, hết ca vẫn không dám về, ở lại trực miết, mãi cho tới khi tôi có mạch đập trở lại, huyết áp bình thường. Tuy nói Herceptin có phản ứng, nhưng đó là sát thủ duy nhất có thể cứu mạng tôi, không truyền nó cũng không có cách khác khống chế bệnh tình. Nghĩ lại bấm bụng mua cái bịch sữa đậu nành hết 25 ngàn tệ, không dùng thì uổng vì đâu phải 25 tệ. Nghĩ tới nghĩ lui vứt bỏ thì không cam tâm, hay là cứ tiếp tục kiên trì.
Sau đó tôi bắt đầu phát sốt, khoảng 39 độ, không nuốt nổi một hạt cơm. Các phản ứng phụ trong tờ hướng dẫn sử dụng tôi đều có đủ. May còn uống nước được, uống như một con lạc đà trữ nước, đeo thêm máy đo hô hấp và nhịp tim, nằm mê sảng trên giường suốt 3 ngày 3 đêm.
Không biết trong 3 ngày 3 đêm đó, người nhà tôi đã làm thế nào mà trải qua được. Bỏ qua những cái gọi là nguy hiểm và đau đớn, viết về kinh nghiệm với Herceptin chỉ là để nhắc nhở các bạn bệnh, đừng nên coi thường cái gọi là xác suất 5%. Làm tốt mọi sự đề phòng chuẩn bị ngộ nhỡ có phản ứng phụ xuất hiện. Xác suất mua vé số cực kỳ thấp như vậy mà còn có người trúng, xác suất mẫn cảm với thuốc 5% cao gấp nhiều lần trúng số. Ngộ nhỡ trúng rồi thì không may mắn được như tôi có bác sĩ X, bác sĩ C và y tá Tinh đang trực, hậu quả khó bề dự liệu.
Chúng tôi là những bệnh nhân đi dây thép ngang qua vực thẳm cheo leo giữa đêm tối, không cho phép bất cứ một mảy may sai sót hay xác suất nhỏ nhoi nào.