Năm 2010 của tôi (4)
Chủ nhiệm J là bác sĩ chủ trị cho tôi. Tôi rất muốn dùng hình ảnh quả táo khô đeo cặp kính viền vàng để hình dung gương mặt hiền từ và nhiều nếp nhăn của ông ấy. Ông ấy có lòng nhẫn nại đáng có của một bác sĩ chuyên khoa ung thư, lạc quan và từ ái, y thuật cao minh mà cũng rất mạnh tay. Khi cần ra thuốc liều cao thì chẳng ngần ngại, nhưng một khi tình hình đã kiểm soát thì vô cùng thận trọng, thấy không nên hóa trị thì không dùng. Hóa trị không có hình thức nào là không độc!
Lại nói chuyện tôi được đưa vào lầu 20, chủ nhiệm J mặt nghiêm túc lôi Đầu Trọc ra ngoài, cửa để khép hờ nên nhờ vậy tôi có thể nghe loáng thoáng bác sĩ C nói với Đầu Trọc đang còn chưa hoàn hồn: “anh là chồng của ta? Anh làm nghề gì? Anh là thầy giáo? Chắc là cũng có văn hóa? Người bệnh bị tới như vậy mới mang vào đây, bữa giờ anh đã làm cái gì? Tôi đã nhận rất cuộc nhiều cuộc điện thoại của bạn bè anh nhờ tôi chiếu cố hai người. Nhưng tôi thấy cũng còn may, trễ hai ngày nữa, anh sẽ trực tiếp đưa cô ấy vào nhà xác. Tôi nghe được những lời đó, quả là trong họa có phúc. Tuy nhiên, họa đang giáng xuống người tôi. Nhưng có người đứng cạnh tôi dạy dỗ ông xã mình, chỉ trích anh ấy quan tâm tôi chưa đủ thì thật chẳng sảng khoái tí nào.
Nhưng qua được vài ngày, tôi đã thoải mái trở lại, tôi phát hiện trong cách đối thoại của chủ nhiệm J và Đầu Trọc có vấn đề. Chủ nhiệm J là bác sĩ, lời nói là lời giao lưu rộng rãi, bệnh ung thư khác với những bệnh khác, đa phần là tiền hết mà người cũng chẳng giữ được. Khi dùng thuốc đều thương lượng để người nhà chọn phương án. Mà Đầu Trọc lần đầu tiên nói chuyện với bác sĩ, luôn đặt vấn đề tính mạng lên hàng đầu nên dễ sinh bất đồng. Cộng thêm bác sĩ J có vẻ như có suy nghĩ con mọt sách này đợi vợ tới tình trạng này mới có phản ứng nên khi nói chuyện có vẻ gay gắt. Ví dụ khi bác sĩ J hỏi Đầu Trọc: ‘”hai người kinh tế như thế nào?” Đầu Trọc trả lời không nể nang: “ông chỉ lo trị bệnh thôi hỏi làm chi chuyện kinh tế!”
Chủ nhiệm J chỉnh chỉnh gọng kính, nhìn cái gã nghèo sơ xác đến đầu tóc mọc không nổi, chỉ có thể dùng cái nón 9.9 tệ mua ở siêu thị Carrefour để che da đầu kia rồi nói: “Nếu chúng tôi dùng Herceptin thì 1 mũi 25 ngàn tệ (1 tệ =3500 đồng_ND), 21 ngày dùng 1 lần. Thường thì người trải qua phẫu thuật phải dùng suốt 1 năm. Giống như vợ anh thì phải dùng liên tục, không thể không quan tâm tới thực tế “Mạng cô ấy bằng giá một căn nhà, cả kiếp này tôi có thể không mua nhà, nhưng phải ăn nói sao với con cái”.
Đầu Trọc mắt chớp chớp ngẩn ngơ.
Tôi tuy rất cảm kích với tất cả những gì Đầu Trọc làm để cứu mạng tôi, nhưng cách nói chuyện ấy rõ rằng quá thẳng, thiếu kỹ năng giao tiếp cơ bản. Dù anh muốn biểu đạt ý anh như vậy nhưng phải có tính mềm mỏng, nếu không bác sĩ sẽ chỉ cảm thấy anh hữu dũng vô mưu. Không những đã thiếu tóc mà còn thiếu não. Quả nhiên, Đầu Trọc không có cảm tình với bác sĩ, Đầu Trọc nói chuyện vài lần với bác sĩ thì tự thú “Làm sao bây giờ, ông ấy không thích anh”.
Đầu Trọc lần đầu tiên có cảm giác nản chí khi không thể lấy được lòng người khác. Làm cho bác sĩ thích mình, khiến họ dành thêm chút tâm tư với mình dù chỉ là một cái nhìn luôn là mong ước xa xỉ của người bệnh và thân quyến, nhất là khi bệnh nặng.
Học cách giao lưu với bác sĩ là bài học đầu tiên của người bệnh và thân quyến, mà cũng là cửa ải đầu tiên phải vượt qua. Kỹ năng giao lưu nhiều lúc rất rất quan trọng, nhét phong bì thô thiển thì cần mặt dạn mày dày, rủi ro cho cả bệnh nhân, người nhà và bác sĩ, người không quen biết thì ít ai dám nhận.
Nhận phong bì thì tạo áp lực kinh tế cho người nhà bệnh nhân, nhưng không nhận thì tạo ra áp lực tâm lý với họ. Nếu bị từ chối thì sẽ có cảm giác thấp thỏm bất an không lời lẽ nào hình dung được. So ra thì dùng lời lẽ giao lưu thì nhẹ nhõm hơn nhiều. Tuy nhiên đây là chỗ yếu kém nhất của tôi, càng không biết làm thế nào khiến người khác trong thời gian ngắn thích được cái đứa ương ương dở dở như tôi. Nhưng, tôi là người bệnh, mà người bệnh trực tiếp giao lưu được so với người nhà sẽ thẳng thắn và khiến người ta dễ mủi lòng hơn.
Thông thường đa phần người làm ngành y đều có tâm từ bi, ít nhiều cũng bị lung lay, nhìn thấy người bệnh sắp chết khó tránh khỏi sinh lòng trắc ẩn. So với người nhà bệnh nhân, người bệnh có lỡ mạo phạm gì đó thì cũng ít đắc tội hơn. Cho nên kinh nghiệm của tôi là, nếu có thể làm được thì bệnh nhân trực tiếp giao lưu với bác sĩ, cứ tốt nhất là trực tiếp đối thoại.
Nhưng theo tôi được biết, bệnh nhân ung thư đa số đều mất tỉnh táo, ít ai mà mặt dày hỏi thẳng bác sĩ “tôi còn sống được hai năm hay một năm rưỡi” như tôi lắm. Tôi thành thật kêu gọi các đồng chí có bệnh ngặt nghèo, chúng ta đã bị ép đi trên sợi dây định mệnh rồi, vậy thì chi bằng hãy mở to mắt tự tay nắm chặt cây gậy thăng bằng, làm một người bệnh dũng cảm khiến bác sĩ nể phục, để họ đối đãi chúng ta bằng cặp mắt khác.
Chủ nhiệm J y thuật cao minh, đối xử mọi người hòa nhã, duy có khuyết điểm duy nhất là quá nổi tiếng. Bác sĩ nổi tiếng có lượng bệnh nhân không đếm xuể, số lượng bệnh nhân đó làm họ vô cùng bận rộn, bận rộn đến mức không nhớ nổi bạn là ai. Trong thời gian hai tháng đầu trị bệnh, chủ nhiệm J cứ luôn gọi tôi là Tôn Quyên, Lý Quyên, Vương Quyên, Lâm Quyên…xác suất gọi Vu Quyên đúng họ tôi so với với những tổ hợp họ khác thấp như là trúng số độc đắc.
Lúc đầu tôi còn cố chỉnh ông ấy, nhưng sau đó nghĩ thông, dù gọi tôi là gì tôi cũng chỉ mỉm cười. Tôi không sợ ông ấy nhầm bệnh của tôi bởi vì mỗi lần gặp mặt, tôi sẽ dùng lời lẽ ngắn gọn mà chính xác mô tả lại tôi bị bệnh gì, đã dùng thuốc gì và đang có phản ứng ra sao? 。
Mỗi lần như vậy, tôi cứ luôn nghĩ tới bộ phim 50 First Dates (50 lần hẹn hò đầu tiên) mà tôi được xem trong chuyến đi cuối cùng từ Frankfurt về Thượng Hải. Người tôi đang đối mặt lúc này không phải là Drew Barrymore mà là chủ nhiệm J.
Sau khi lấy máu tôi được vài tiếng, chủ nhiệm J đạp phong hỏa luân hành tẩu như gió tới bảo “Cô Vương Quyên này, tình hình của cô rất không ổn, chúng tôi quyết định cho cô dùng thuốc, trước tiên phải đối phó chứng tăng canxi huyết, chúng tôi nghi ngời cô nhẹ lắm cũng là bị mắc chứng Osteolytic”. Ném ra được mấy câu này, J đã biến mất, tôi biết ông ấy phải tranh thủ thời gian đi cứu chữa những bệnh nhân khác nữa.
Tôi đầu óc như phủ sương mù, Đầu Trọc dán mắt vào máy vi tính, 1 tay rê chuột 1 tay cầm bản kết quả, tra xem tăng canxi huyết là gì? Osteolytic là cái giống chi? Anh ấy tra ra được kết quả nhưng lúc ấy không nói cho tôi biết, sau này tôi mới rõ, tăng canxi huyết tức là sự gia tăng bất thường nồng độ canxi ion trong huyết thanh, canxi trong huyết thanh cao hơn 2.75mmol/L tức là tăng canxi huyết. Khi chỉ số ấy cao hơn 4.5 thì có thể gây ra những biến chứng nguy kịch như như mất nước nặng, sốt, rối loạn nhịp tim…Bệnh nhân sẽ chết vì ngừng tim, hoại tử tụy và suy thận. Tôi đã là tiếp cận mức 4.4mmol/L, cho nên tôi có nhiều triệu chứng mất sức, nhức đầu, mất ngủ, chán ăn, buồn nôn, khát nước…
Osteolysis (tan rã xương, ung thư xương di căn) thì càng thảm khốc hơn, Osteolysis còn được gọi là hội chứng Gorham Stout. Massive osteolysis tức lượng lớn chất xương bị tan rã là trường hợp chứng hiếm thấy trong y văn cho đến nay cũng chỉ có gần 200 trường hợp.
Bởi vì chủ nhiệm J phát hiện toàn bộ thân thể của tôi có nhiều dấu hiện tan rã xương, đặc biệt là ở xương đòn, xương bả vai, xương cánh tay, xương sống. Bệnh nhân bị Osteolysis nghiêm trọng có thể dẫn đến gãy cột sống gây liệt hai chân, liên lụy đến những đại huyết quản gây chảy máu.
Đầu Trọc không giấu được tôi, bởi vì ngày hôm đó lần lượt các bác sĩ lớn-vừa-bé đều chạy đến căn dặn tôi không được cử động, nhất định không được hoạt động, có nữ bác sĩ cẩn thận bảo tôi đừng rời khỏi giường, đừng đột ngột quay lại, không cúi gập người.
Tôi chỉ nhất nhất khẽ gật đầu, trong bụng cười thầm: “Tôi mà ngồi dậy nổi sao? Mấy người biết tôi đau đớn thế nào mà!”. Điều kỳ lạ là, có một mũi thuốc đục như sữa đậu nành giá trị của hơn 3000 tệ tiêm vào cơ thể của tôi thì canxi trong máu của tôi trở lại hoàn toàn bình thường. Điều không bình thường là trong đêm đó, tôi bị sốt cao đến 41,4 độ C.
Trước đó, tôi không thể nâng người để thay quần áo bệnh nhân, áo phải mặc ngược từ phía trước và phía sau thả rông không cài nút quay lại. Sốt cao đêm đó khiến đầu óc tôi mơ hồ, không nhận ra Đầu Trọc, 3h khuya nhìn thấy gã Đầu Trọc râu ria xuề xòa này lại thấy mình ăn mặc phong phanh thế là hai tay ôm ngực hô toáng lên “ông là ai! tôi không biết ông, mau đi đi, không thôi tôi kêu người tới đó! Không tin thử tới gần tôi đi, tôi cắn chết cho coi!” Chuyện này về sau thành trò cười bị Đầu Trọ nắm thóp hay mang để trêu tôi.