Một trong những “di chứng” nặng nề để lại sau giãn cách xã hội ở Pháp là những e ngại tiếp xúc vật lý với những vật dụng bằng giấy như: vé vào cửa, biên nhận, hóa đơn dẫn đến việc sử dụng tiền giấy đang giảm đáng kể.

Theo Christophe Baud-Berthier, giám đốc hoạt động ủy thác của ngân hàng Banque de France: “Trong toàn bộ thời gian bị giam giữ, chúng tôi đã ghi nhận mức giảm rút tiền từ 50% đến 60% tại các máy ATM và tại các bàn rút tiền của chúng tôi”. Song song đó, vài ngày sau khi doanh nghiệp mở cửa trở lại, các nhà bán lẻ trong lúc nhắn tim mời gọi khách quay trở lại cũng đồng thời kèm thêm dòng thông báo “ chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng và không chấp nhận tiền mặt”. Một thực tế chưa từng có, nhưng cũng là bất hợp pháp, đã khiến người bảo vệ quyền phản ứng bằng cách nhắc lại rằng hạn chế này đã tước đi quyền tiếp cận của một bộ phận người dân, đặc biệt là những người thiếu thốn tiếp cận các nhu cầu thiết yếu. Theo các cuộc khảo sát, kể từ khi cuộc khủng hoảng coronavirus bắt đầu, cứ 10 người Pháp thì có một người phải đối mặt với việc từ chối thanh toán bằng tiền mặt từ các nhà bán hàng.

Ngược lại, thanh toán bằng thẻ ngân hàng dưới hình thức sans contact (không tiếp xúc) đã được chuộng hơn trong thời gian phong tỏa, khi mức trần được nâng lên đến tận 50euro cho mỗi giao dịch. Ngay vào ngày đón mừng dỡ lệnh phong tỏa 15 tháng 5, 3 triệu giao dịch thẻ không tiếp xúc trị giá từ 30 đến 50 euro đã được thực hiện và hai tuần sau sau đó, một phần ba các khoản thanh toán trị giá 30-50euro vẫn được thực hiện bằng phương thức không tiếp xúc. Dữ liệu này cho thấy có một một sự thay đổi thật sự trong thói quen thanh toán của người tiêu dùng. Julien Lasalle, trưởng bộ phận giám sát thanh toán không tiếp xúc của Banque de France phải thốt lên “Cuộc khủng hoảng y tế hóa ra có thể thúc đẩy sự chuyển dịch sang một xã hội không tiền mặt, khiến chúng ta có một bước tiến nhảy vọt trong 5 năm”.

Các công ty fintech Pháp hơn ai hết đã nắm lấy ngay cơ hội này. Ví điện tử Apple Pay hiện được cung cấp bởi khoảng 30 ngân hàng Pháp, cho phép thanh toán các giao dịch bằng điện thoại không có mức trần tối đa. Các giải pháp tiền điện tử của Pháp, như ứng dụng Lydia hoặc Paylib, đã được hưởng lợi từ sự truyền thông rộng rãi từ các cơ quan công quyền và đã được các chuyên gia y tế tiên phong áp dụng trong việc thanh toán dịch vụ khám bệnh từ xa. Công ty khởi nghiệp Money Walkie đã khởi động chiến dịch huy động vốn cộng đồng vào cuối tháng 5 để tài trợ cho việc sản xuất ví 2.0. Ứng dụng thanh toán di động Alipay và WeChat Pay cũng đã gia nhập thị trường Pháp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng gốc châu Á.

Các thượng đế tí hon cũng không bị các doanh nghiệp bỏ sót. Các ý tưởng start-up thiết bị thanh toán có hình dạng động vật được kết nối với ứng dụng dành cho thiết bị di động và chúng sẽ cho phép trẻ em thanh toán không tiếp xúc tại các cửa hàng bán lẻ đang được  triển khai. “Với kích thước của một quả trứng, nó cho phép bạn dễ dàng và an toàn giao phó cho con cái của mình”, các nhà lãnh đạo của dự án giải thích.

Theo một cuộc thăm dò năm 2017 của Đại học Nhân Dân Bắc Kinh, 74% cư dân cho biết họ chỉ chi hơn một tháng chỉ với 100 nhân dân tệ (khoảng 13,20 USD) tiền mặt. Đến nay, 92% người dân ở các thành phố hàng đầu của Trung Quốc cho biết, họ sử dụng WeChat Pay hoặc AliPay làm phương thức thanh toán chính. Chính điều này cũng được xem như là một yếu tố giúp Trung Quốc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Truyền thông Pháp vì thế đang dẫn dụ Trung Quốc như là một điển hình về thanh toán phi tiền mặt mà nước Pháp cần học tập.

Trong một cuộc phỏng vấn với Le Monde ngày 7 tháng 6, David Marcus, người đồng sáng lập Libra, dự án tiền kỹ thuật số do Facebook khởi xướng cho rằng việc sử dụng tiền mặt sẽ thực sự rất hạn chế trong vòng 20 năm tới. Ông nói: “Ở các quốc gia nơi mọi người có quyền truy cập vào điện thoại thông minh và các dịch vụ Internet di động, phần lớn – nếu không phải tất cả – các giao dịch sẽ là kỹ thuật số. Theo quan điểm của ông, tiền mặt sẽ vẫn ổn, nhưng nó không nhất thiết phải ở dạng tiền mặt bằng giấy hoặc polimer.

Việt Nam trong những ngày qua dịch Covid-19 đang quay trở lại. Có thể dịch bệnh sẽ được khống chế do có sự đồng lòng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, sớm hoặc muộn, Việt Nam cũng sẽ phải làm quen với các hành vi giao tiếp và sinh hoạt “phi tiếp xúc vật lý” trong trạng thái “bình thường mới” khi đất nước mở cửa trở lại với phần còn lại của thế giới. Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển một cách chật vật phần lớn do hành vi sử dụng tiền mặt còn quá phổ biến. Covid-19 do đó thật ra không phải khủng hoảng mà là một điều kiện tốt cho các fintech và start-up sáng tạo thay đổi hành vi thanh toán của người Việt Nam, một tiền đề quan trọng hướng đến sự phát triển bền vững của thương mại điện tử trong tương lai.

Lương Hà