Tại sao tôi bị ung thư?

Trong phòng bệnh dù cho không khí đang náo nhiệt cỡ nào mà hễ câu này đưa ra là không khí sẽ trở nên nặng trịch trong vòng một nốt nhạc. Sau nốt nhạc đó, sẽ có dì này thút thít chảy nước mắt, dì kia kêu gào mắng chửi ông trời không có mắt, có dì đấm ngực đưa tay chỉ lên trần thề thốt rằng cả đời ăn ở hiền lương chưa làm qua chuyện xấu tại sao lại chịu quả báo như thế này. Có bao nhiêu người bệnh là có bấy nhiêu người không thể đối mặt với đề tài chọc thẳng vào tim này.

Ngoại trừ tôi.

Tôi trước giờ chưa từng nghĩ về vấn đề này, dù bệnh đã nằm ở trong người. Dù có mắng chửi cay độc hay tự hối cải làm mới thì cũng không thể thay đổi sự thật là tôi đã mắc bệnh ung thư, càng không thể như ngoại tệ có thể trong nháy mắt đưa chứng bệnh ung thư vú của tôi chuyển đi nơi khác. Những chuyện bất lực tòng tâm lại gây ra đau buồn, tôi dứt khoát không muốn nghĩ tới.

Qua một năm, tôi có thể ngồi lên bàn gõ chữ, tôi cảm thấy giờ là lúc tôi nên suy nghĩ về vấn đề này, khách quan và khoa học, không mang sắc thái tình cảm để phân tích tổng kết lại đôi chút về lý do tại sao tôi mắc bệnh ung thư. Làm chuyện này đối với tôi không còn có ý nghĩa gì, nhưng với những người xung quanh, có thể sẽ có tác dụng ngăn ngừa giảm nhẹ. Tôi đấu tranh một năm ròng rã với ung thư, đau đớn như chịu cực hình nhân gian, thân tâm đã bị tàn phá tới mức không thể tàn phá thêm nữa, tôi không muốn những chuyện như vậy xảy ra trên bất cứ cơ thể của ai khác nữa. Phàm là con người cả, tôi phải giúp họ tránh né, dù cho đó là người tôi căm ghét nhất! 

Sở dĩ đã bỏ công nghiền ngẫm về vấn đề này mà còn phải viết hết ra là bởi vì dù phân tích ở góc độ nào tôi cũng không đáng phải là người đang mắc căn bệnh ung thư.

Từ kinh nghiệm cay đắng, tôi bắt đầu tự suy ngẫm có chỗ nào mình làm không tốt, cho nên ông trời mới trêu ngươi tôi một vố lớn như thế này, mới bày ra một thử thách cam go đến vậy.

I. Thói quen ăn uống

Ăn tạp

Tôi là người trước giờ vô bàn ăn chưa bao giờ biết từ chối thử bất cứ món gì mới lạ. Do có rất nhiều nguyên nhân khách quan, ví dụ như cha tôi thuộc hạng đầu bếp có điều kiện tốt. Tôi được ăn rất nhiều thứ không nên ăn, thống kê không hết như: chim công, hải âu, cá voi, cá nóc, hươu, linh dương, gấu, nai, tuần lộc, hoẵng, chim trĩ, lợn rừng, rắn…Ngoại trừ cá voi là tự mua ở siêu thị bên Nhật, tất cả còn lại là được chiêu đãi. Nhưng mà, tôi phải sâu sắc ăn năn, những thứ này không nên ăn, đặc biệt là sau khi tôi đọc được quyển “Cân bằng giải cứu nguy cơ”.Việc ăn thịt chúng, tước đoạt sinh mệnh chúng làm tôi cảm thấy tội nghiệt của mình quá nặng.

Những lời nói kiểu như phá hoại sự cân bằng của thế gian, làm tổn hại thiên nhiên, hủy diệt mạng sống thôi thì khỏi cần phải nói rồi, nhưng quan trọng nhất là, những thứ gọi là sơn hào hải vị kia thật ra cũng vô cùng bình thường. Ví như thịt hải âu, hầm nồi áp suất 4 tiếng đồng hồ mà vẫn cứng như đá, cắn một miếng giống như gặm sợi dây mây ngàn năm trong rừng, sớ thịt thô, thật khô thật cứng, khó khăn lắm mới nhai hết một họng thì dính kẽ răng gỡ hai ngày chưa hết.

Chúng ta phải tin vào những tổ tiên thông minh của chúng ta, mấy ngàn năm tích lũy kinh nghiệm, họ thông qua khoảng thời gian lâu dài gấp bội lần thọ mạng của chúng ta để cuối cùng tuyển lựa nên những thứ cho chúng ta ăn ngày nay và nuôi làm thức ăn. Nếu ăn chim công ngon hơn gà thì bây giờ gà đã là chim công và chim công chính là gà.

Bạo ăn bạo uống

Tôi là người phóng khoáng tùy tiện.

Làm việc thì thích được một trời một cõi tùy nghi quyết định, ăn uống thì thích ăn thịt chén lớn uống rượu ly to. 

Sức ăn của tôi nổi tiếng khắp trong ngoài. Lúc ở châu Âu giáo sư hướng dẫn hễ ra là mời tôi đi ăn, bởi vì bà ấy bị bệnh biếng ăn, nhìn thấy tôi ăn như vũ bão thì rất thích lại có người nói chuyện vui giúp gợi cơn thèm ăn. Lúc ở đại học Phúc Đán một giáo sư hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh làm đề tài, tôi là nữ duy nhất. Vậy mà 5 người nam kia cộng lại ăn không nhiều bằng tôi.

Thời đi học thì không nói gì, ra đi làm rồi cũng vậy, gắng chịu đau lưng (thật ra là do di căn xương giai đoạn cuối) đi tham quan hồ Dương Trừng do viện tổ chức, một ngày ăn hết 7 con cua. Game di động yêu thích nhất của tôi cũng là rắn tham ăn, dù chơi không hay.

Suy ngẫm lại, dù anh có lanh lẹ mưu trí gì chăng nữa thì hậu quả tham ăn cũng do anh tự gánh. Chơi qua chơi lại, tôi lại chính là con rắn tự ăn chính mình.

Ham ăn thịt

Trước khi bệnh, mỗi khi trên bàn ăn nếu không có đồ mặn là tôi sẽ tuột hứng, bữa ăn đó dù cho có ăn nhiều bao nhiêu cũng xem như là chưa ăn.  Mẹ tôi cho rằng sở thích ăn uống này, dù do thói quen ăn uống hay do di truyền đều do bởi cha tôi. Cha tôi ngoài 39 đã là đầu bếp hạng nhất cấp quốc gia. Những năm 90, danh hiệu không tạp nham như bây giờ, cho nên trong giới nấu ăn ông ấy rất có tiếng tăm.

Thời trung học, gần như 1 trong 3 đầu bếp đều là học trò của cha, mà người quen biết ông ấy đều biết tôi là viên ngọc quý của cha. Khỏi suy nghĩ của biết, tôi chỉ cần đi vô nhà hàng là sẽ bị người quen có, lạ có gọi tôi là “sư muội, sư muội” rồi dẫn vô bếp tha hồ mà ăn. Thời bấy giờ chưa có mấy vụ ăn uống lành mạnh, mà người miền Bắc đồ ăn thiếu thốn, món thịt hạn chế. Tôi toàn ăn món thịt.

Kế đến nữa là tôi thích ăn hải sản.  Nhớ lần đầu đi tới nhà Đầu Trọc hồi 12 năm trước. Nhà anh ấy ở trên đảo Châu Sơn. Vừa vào tới cửa, tôi trước tiên bị hải sản trên bàn hấp dẫn, mặc kệ chuyện ngại ngần gia đình người ta, tôi cứ vội vội vàng vàng lao vô bàn ăn “chiến đấu”, trong chốc lát trước mặt tôi là một đống vỏ cua vỏ ốc chất cao như núi. Hai ông bà cụ chỉ biết nhìn nhau mà cười.

Sức chiến đấu của tôi kinh hãi ngoài dự tính của mọi người, làm cho lúc bà cụ đi xuống bếp rửa chén bảo ông cụ đi mua thêm đồ ăn vì sợ buổi cơm tối không đủ đồ nấu.Mười năm sau, mỗi lần nhắc tới lần tôi ra mắt đầu tiên, bà cụ đều cười lấy cười để, hỏi tôi sao mà không ngại ấn tượng ban đầu, bất chấp hết vậy con. Tôi biện minh là: con phải là con người thật của con, nếu cảm thấy tướng ăn của con không xứng là con dâu của mẹ thì cũng không sao, chứ bữa hải sản đó phải ăn cho được. Có thực mới vực được đạo. Tôi viết ở đây không có nghĩa là nói hải sản không tốt mà là suy ngẫm lại tại sao tôi ăn nhiều nó thì mang bệnh.

Tôi là dân miền bắc Hoàng Hà, không phải dân miền biển, đất nào nuôi dân đó.  Đầu Trọc ăn tôm cua mỗi ngày không sao, còn tôi ăn lâu dài sẽ làm cơ thể thay đổi: gả chồng ra đảo không có nghĩa là bạn trở nên có thể chất của ngư dân.

Sau khi biết tôi mắc bệnh, không đến một tuần lễ, Đầu Trọc nhanh như chớp, đọc hết rất nhiều sách tài liệu có liên quan đến ăn uống trị liệu. Ví dụ như “Báo cáo điều tra sức khỏe” của Campbell, “Liệu pháp chữa lành bệnh ung thư”… dẫn chứng căn cứ, bắt đầu tin rằng casein trong sữa tác hại thúc đẩy nhanh ung thư, ăn động vật làm thức ăn chính sẽ dẫn đến các bệnh mạn tính (như béo phì, tim mạch, ung bước, loãng xương…), ăn thực vật làm thức ăn chính là tốt nhất cho sức khỏe và cũng có hiệu quả ngăn ngừa các bệnh mạn tính. Tức là nên ăn nhiều ngũ cốc, rau quả, ít ăn gà, vịt, cá, thịt, trứng, sữa…

Tôi tấm thân đáng thương nằm trên giường chờ đút ăn, từ sau ngày hóa trị bắt đầu từ con hổ hóa thành con thỏ rồi.

II. Thói quen ngủ

Hiện tại trong xã hội, có quá nhiều người trẻ mắc bệnh ung thư một cách kỳ lạ, hoặc chết do lao lực bất thường mà nguyên nhân thường được chuyên gia hoặc người xung quanh phân tích đưa ra.  Do đương sự hễ mắc bệnh này, thời gian tồn tại rất ngắn, không có tâm tư cũng không đủ năng lực viết văn dài dòng cảnh tỉnh nam nữ trên thế gian. Quá lao lực mà chết thì không thể sống vậy nói rõ nguyên nhân rồi nằm vô hòm chết tiếp. Tôi thân là một giáo sư trẻ của Phúc Đán, có trách nhiệm có nghĩa vụ làm việc tôi có thể làm, để những người xung quanh sống tốt hơn, nếu không, vừa học xong học vị tiến sĩ lại mắc ung thư giai đoạn cuối thì đó không phải là hy sinh vì bảo vệ tổ quốc, như thế là vô ích. Những lời này, dù chỉ có ích cho một người tôi cũng cảm thấy mình còn có chút giá trị.

Tôi bình thường có thói quen ngủ muộn. Thực ra, thức khuya ở tuổi tôi không có gì lớn chuyện, cũng không phải ngủ muộn là gây ra ung thư. Những người tôi quen biết đều ngủ muộn, sức khỏe đều tốt. Nhưng ngủ muộn đích thực là vô cùng có hại. Hồi tưởng lại mười năm qua, từ khi chưa có việc quản thúc đắt đèn (thực ra lúc đó tôi cũng thường xuyên ngủ muộn), tôi cơ bản chưa bao giờ ngủ trước 12h tối. Mấy kiểu như học tập, thi chứng chỉ GT, nghiên cứu thì là có lý do chính đáng không nói. Nhưng đồng thời chat chit, lên mạng, vũ trường, đi ăn uống, karaoke, bowling, tự kỷ (gọi mỹ miều là suy tư) lấp hết thời giờ của những lý do chính đáng trong mỗi khi thức khuya. Lúc nghiêm trọng thì thức suốt thâu đêm, bình thường ngủ sớm là trước 1 giờ khuya.

Sau này mắc bệnh, tôi bắt đầu tự học các sách Trung y, đọc mấy loại sách như Hoàng Đế Nội Kinh. Nay xin trích dẫn ra một đoạn:

17h đến 19h là giờ Dậu, thận đương lệnh

19h đến 21h là giờ Tuất, tâm bao (tim) đương lệnh

21h đến 23h là giờ Hợi, tam tiêu đương lệnh

23h đến 1h là giờ Tý, mật đương lệnh

1h đến 3h sáng là giờ Sửu, gan đương lệnh

3h đến 5h sáng là giờ Dần, phổi đương lệnh

5h đến 7h sáng là giờ Mão, ruột già (hay còn gọi là đại tràng) đương lệnh

“Đương lệnh” có nghĩa là đang trực ban. Cũng tức là trong thời gian này, những cơ quan này phát huy tác dụng chính của nó. Xuất phát từ quan điểm dưỡng sinh, cơ thể người không thể quấy nhiễu những cơ quan này vào những lúc chúng làm việc. Nghỉ ngơi, có thể ngăn ngừa cơ thể phân phối khí huyết đi làm những lao động vô ích. Mọi khí huyết sẽ có thể tập trung giúp cơ quan nội tạng đương lệnh làm việc.

Về lâu về dài, thức khuya hoặc ngủ muộn sẽ rất có hại cho sức khỏe. Gan của tôi có mấy chỉ tiêu lúc kiểm tra ung thư thấy rất cao. Nhưng tôi trước giờ không có vấn đề về gan. Tôi vô cùng thấy lạ nên gấp rút tìm nguyên nhân tại sao chức năng gan có vấn đề, do là chức năng gan kém thì không thể hóa trị. Không lâu sau đó tôi lại phát hiện ra một đoạn bên dưới:

Bác sĩ Đậu Hiểu Quang, chủ nhiệm khoa truyền nhiệm bệnh viện Thịnh Kinh thuộc đại học Y khoa Trung Quốc cho biết: Thức khuya trực tiếp nguy hại đến gan. Lúc thức khuya, dịch máu trong cơ thể đều cung cấp cho não bộ, lượng máu cho gan sẽ giảm tương ứng, làm cho gan thiếu oxy, lâu dài làm cho hại cho gan.

Từ 23h đến 3h sáng, là thời gian các hoạt động của gan mạnh nhất, cũng là lúc tốt nhất để gan giải độc. Nếu chức năng gan không được nghỉ ngơi, sẽ gây nên máu huyết chảy qua gan không đủ, những tế bào gan bị tổn hại khó mà khôi phục và càng thêm xấu đi. Mà gan là cơ quan thực hiện chức năng trao đổi chất (metabolism) lớn nhất trong cơ thể người, gan bị tổn thương sẽ làm tổn hại toàn thân. Cho nên “thức khuya lâu dài đồng nghĩa với tự sát” cách nói này không hề khoa trương. Vì vậy các bác sĩ khuyên mọi người từ trong khoảng từ 23h bắt đầu lên giường ngủ, 1h-3h đi vào trạng thái ngủ sâu để cung cấp đủ máu cho gan.

Sau khi có bệnh tôi sống lành mạnh, nói thật nhờ tình huống khách quan, tôi mất khả năng tự lo cho mình, uống nước thì chỉ có thể ngẩng cổ lên chỗ ống hút nên làm gì có chuyện đi xõa thâu đêm.  Cho nên hàng ngày tôi dậy rất sớm, bắt đầu uống nước đậu xanh, ăn thức ăn giàu vitamin B tự nhiên, ăn cháo ngũ cốc. Sau đó, điều kỳ diệu xảy ra. Trong khi các bạn bệnh khác ai ấy sau hóa trị chức năng gan đều bị kém đi còn tôi thì sau hai lần hóa trị chức năng gan trở lại bình thường.

Hy vọng đoạn văn này ích cho những người cần giúp đỡ cũng thật lòng hy vọng các bạn hữu tin vào câu nói của người xưa “đê dài ngàn dặm, hỏng bởi tổ kiến”. Chúng ta là người hiện đại, không thể thoát ly khỏi quỹ đạo phát triển của xã hội, nhịp sống hiện đại cùng những phức tạp quanh mình. Thế nên, lúc nào có thể kiểm soát được thì nên kiểm soát, lúc nào có thể ngủ sớm thì nên cố gắng đối đãi tốt bản thân. Những thứ làm thõa mãn các giác quan như: phim ảnh, mạng xã hội, karaoke…hễ qua rồi thì tất cả là phù vân.

Thứ duy nhất thực sự chạm xuống mặt đất là một cơ thể khỏe mạnh của bạn!

III. Cày deadline!

Nói ra thì cũng không biết là tự hào hay là xấu hổ. Đứng trên lằn ranh của sống chết, ngoái đầu nhìn là 30 năm tháng của nửa trước cuộc đời đã cuồn cuộn trôi đi. Tôi phát hiện mình mất hơn 20 năm đi học, hai chữ “đi học” ý nghĩa thật thâm diệu. Chỉ có bản thân mỗi người mới biết rốt cuộc đạt được gì từ trong quá trình đó!

Có lẽ chỉ có bản thân tôi biết được tôi là loại anti đọc sách, phung phí tuổi thanh xuân và sinh mệnh. Bởi vì một thời gian khá dài, tôi nổi tiếng là nữ sinh 2w. 2w ý là loại sinh viên trước kỳ thi hai tuần (2 weeks) mới nghiêm túc học bài. Đồng thời, thành tích thi cử cũng “too weak” (rất kém).

Các kiểu thi lớn nhỏ, các loại test, các loại kiểm tra năng lực (ngoại trừ thi vào đại học, thi nghiên cứu sinh và GT) tôi đều dành thời gian chuẩn bị không hơn 2 tuần lễ. Đừng nghĩ là tôi là đứa thông minh, cũng đừng nghĩ tôi đang tô vẽ sự thông minh của mình. Tôi chỉ là đang miêu tả chân thực một lối sống từng tồn tại của tôi.

Tôi là đứa không giỏi kiểm soát bản thân, là đứa không giỏi tranh đua giành phần thắng, là đứa không giỏi tự kiểm soát việc tranh đua tới mức quyết không chịu thua. Dù ban đầu tôi biết rõ mình phải học tập cho tốt nếu không sẽ phải thi lại môn này môn kia, nhưng tôi vẫn không thể đóng đinh mình vô bàn đọc sách. Cái kiểu như không cảm thấy được tháng ngày đang dần trôi qua, bỗng tới lúc nào đó giật mình thức dậy phát hiện thì đã 9h sáng, bị trễ học vậy đó.

Mỗi khi tôi nhớ ra phải cố gắng học thì gần như chỉ còn 2 tuần nữa đã phải thi rồi.  Tôi trước kia có câu cửa miệng thường là: không tới deadline (hạn chót) thì không khơi gợi được lòng nhiệt tình học tập! Thế là tôi bắt đầu cày để mong có cái thành tích tốt, kết quả tốt của một người phải vừa thông minh vừa cố gắng mới có được. Cho nên mỗi khi tôi cắm đầu khổ luyện, tôi sẽ mặc sức hành hạ bản thân, chẳng màng chi tới mấy từ vựng “sức khỏe” hay “thân thể”. Tôi xem thân thể như con chiên mang đi hiến tế, như đang dùng roi quất con ngựa trong cơ thể mình mình buộc nó không ngừng ngày đêm bôn tẩu đến mức quên ăn quên ngủ, máu tuôn huyết cạn! Kỷ lục cao nhất là một ngày học 21 tiếng, học 2 ngày rưỡi rồi đi thi.

Đó là chưa nói tới những lúc tôi kiếm chuyện cho mình làm. Người ta đi thi chứng chỉ Thị trường kỳ hạn, tôi cũng thi, người ta thi chứng chỉ CFA tôi cũng thi…Muốn thi cũng là chuyện tốt nhưng sau mỗi khi muốn là tôi lại quên. Mua sách rồi, đăng ký rồi thì ngoại trừ có người nhắc, chứ không thôi tôi sẽ quên phắng đi rằng mình từ có ý định ấy, đợi tới khi cách ngày thi hai tuần tôi mới giật mình nhớ ra, lại tiếc tiền đăng ký, tiếc tiền sách thế là cắm cúi luyện. Mỗi lần luyện là như mỗi lần ve sầu lột xác. Đầu Trọc lần nào thấy tôi ốm đi thì bảo: haha, lại chuẩn bị thi lấy cái chứng chỉ tào lao gì nữa à?!

Nhưng mà, tôi đâu phải Phùng Hằng (mẹ Hoàng Dung, vợ Hoàng Lão Tà). Mà ngay cả Phùng Hằng, dù có được bản lĩnh đọc lướt qua một lần đã nhớ nhưng cũng do ghi nhớ một quyển sách nên hao tổn khí huyết mà chết. Huống chi là một đứa tư chất tầm thường như tôi?

Tôi không biết tôi đã cố cưỡng chế ghi nhớ bao nhiêu quyển sách. Đương nhiên ban đầu mấy quyển đó đều đơn giản hơn Cửu Âm Chân Kinh, nhưng mà dần dà trình độ ngày càng cao, số sách kia đối với tôi cũng khó hiểu như Cửu Âm Chân Kinh vậy. Thế là mỗi lần cày hai tuần trước khi thi đều rất khổ sở, tới nỗi phải ngủ bù hai bao ngày sau mới lấy lại quân bình. Thời đại học thi cử còn dùng thể lực, chứ những kỳ thi sau này là dốc tâm huyết và tinh lực.

Sau khi mắc bệnh, tôi và Đầu Trọc tự soi lại thấy vô số sai lầm, tự thấy tôi trước giờ toàn làm chuyện không tính tới lâu dài mà toàn như đàn ông dùng sức vác cày nặng để cày deadline, là thủ phạm làm thương tổn hệ thống miễn dịch. Anh ấy ví von là: một chiếc xe ương ương dở dở bình thường đã không được bảo dưỡng, cứ lâu lâu lại lên ga liên tục chạy nửa tháng. Một năm làm 4-5 lần như thì dù là xe hơi mình sắt xương thép mà bị cày tới mức đó thì chạy chừng 20 năm cũng phải mang bỏ ra nghĩa địa huống chi con người!

Thế nên tôi thật lòng cảnh tỉnh những ai cày deadline như tôi trước đây vậy!

IV.Vấn đề môi trường.

Viết ra mấy chữ này giống như câu thơ Khoai Tây học thuộc lòng: “Rút kiếm nhìn quanh tâm ngẩng ngơ”.

Vấn đề này quả thật quá rộng lớn, lớn tới mức không biết phân tích từ đâu, ngay cả nói cụ thể từ bản thân tôi. Nhưng mà nếu tôi không suy ngẫm và phân tích, e rằng nhiều người khó có thể phân tích. Tôi đi vốn xuất thân học về kinh tế học môi trường ở Na-Uy. Đầu Trọc thì càng đáng mỉa mai hơn, anh ấy chuyên nghiên cứu về quản lý môi trường và vật liệu bảo vệ môi trường.

Tôi là người sống xuề xòa, chín bỏ làm mười. Trước giờ chưa hề trách móc than thở môi trường xung quanh tệ thế này, kém thế kia. Năm 2001 từng sống ở Hokkaido Nhật Bản một thời gian, dù rất khâm phục môi trường tuyệt vời ở đó nhưng chưa hề chê bai Thượng Hải thua kém. Lúc năm 2004, khi nghe thấy một người Nhật Bản than vừa bước xuống máy bay thì cổ họng đau, mũi suỵt soạt, trong lòng tôi thầm bực: môi trường của tụi tao kém vậy đó, tụi mày còn qua đây chi? Chi bằng quay về nước đi!

Tôi chỉ thật sự cảm nhận được không khí ô nhiễm là vào năm 2007 là khi từ Na-Uy trở về, ngay vào lúc bước xuống máy bay ở sân bay Bắc Kinh, đột nhiên cảm thấy mắt bị sốn, cổ họng mắc nghẹn, lời của tay người Nhật năm nào như đang văng vẳng bên tai.

Có lẽ, tay người Nhật không phải cố ý hạ nhục Thượng Hải đổi thay mỗi ngày của chúng tôi. Chúng tôi trước giờ sống trong môi trường như vậy nên đương nhiên không bị mẫn cảm, nhưng nếu là một người chạy đi ở một nơi môi trường sạch sẽ sống vài năm rồi quay về thì sẽ cảm nhận được sâu sắc. Về nước cùng đợt tôi có mấy người bạn thân, trong lúc tám chuyện điện thoại đều bày tỏ không thích ứng với tình hình đất nước: cổ họng khô, ngạt thở, siêu thị ồn ào, trên đường xe cộ băng dọc đâm ngang…Đấy không phải là mỉa mai mà là sự thật. Đấy cũng không phải là bất mãn mà là cảm nhận trong lòng mỗi người.

Về nước nửa năm, tôi và Phương Phương, A Mông…không đứa nào không đổ bệnh. Không phải cảm mạo thì phát sốt hoặc như Xá Xá thì làm tiểu phẫu. Đầu Trọc cười nhạo chúng tôi rằng Na-Uy sạch quá mức, giống như phòng thí nghiệm vô trùng, đám chuộc bạch Trung Quốc bị nhốt bên đó vài năm rồi thả về chỗ cũ, cơ thể và hệ thống miễn dịch và kháng thể không thể chống đỡ nổi những con virus bên ngoài phòng thí nghiệm xâm nhập. Phải, trong số không nhiều những người bạn về nước của tôi, ngoài tôi và Mai Sâm mắc ung thư vú, Cam Lâm mắc bệnh về máu.

Có lẽ, đây chỉ được xem là sự than thở nhạt nhẽo. Trừ phi dân tình trong nước thức tỉnh, nếu không chúng tôi không thể thay đổi sự thật này, môi trường này và tình trạng đất nước này! 

Tra thông tin trên mạng, sẽ thấy những con số đáng kinh hãi: số liệu công bố tỷ lệ phát nệnh ung thư là 180/100.000, cũng tức là một 100 ngàn người có 180 người mắc bệnh ung thư.

Thành phố có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất Trung Quốc là: Thượng Hải. Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh ung thư vào năm 1980 ở Thượng Hải đã tăng hơn gấp đôi so với năm 1963, vượt qua Bắc Kinh, Thiên Tân 25%, đứng đầu các thành phố trên khắp đất nước. Số liệu giám sát ung thư CDC cho thấy tỷ lệ ung thư của phụ nữ khu vực Thượng Hải tăng hơn gấp đôi 20 năm trước, mỗi 100 phụ nữ Thượng Hải đã có 1 bệnh nhân ung thư, cao hơn nhiều so các thành phố khác ở Trung Quốc.

Có lẽ cách của tôi nhìn vào văn bản này khác với tất cả mọi người. Bởi vì tôi biết đằng sau dữ liệu đại diện mỗi bệnh nhân đại diện là một người đang sắp rời khỏi thế giới này và một gia đình không còn nguyên vẹn. Tôi không nói rằng ô nhiễm nặng ở Thượng Hải làm tôi bị ung thư, nhưng tôi cảm thấy rằng điều này có thể là một trong nhiều nhân tố gây nên ung thư cho tôi: Tôi lẽ ra nên có thời gian quá độ trước khi chuyển từ một phòng thí nghiệm vô trùng sang một môi trường đầy ô nhiễm, rồi còn ráng cày cho xong luận văn trong khi xung quanh là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và khủng hoảng an toàn thực phẩm. Dốc hết sức vào đúng thời điểm khả năng miễn xuống thấp, những dồn nén lâu ngày tất cả đã cùng một lúc nổ ra.

Nói ra thì 10 năm trước, thời đại học và thạc sĩ tôi có 1 năm không nói chuyện trường lớp, trong 1 năm này tôi đi tìm việc, thi tiến sĩ và đi Nhật Bản. Ngoại trừ chuyến đi Nhật, tôi đều ở trong một căn phòng mới của người bà con ở Phố Đông. Phòng mới, trang thiết bị mới, đồ gia dụng mới. Lúc ban đầu phòng mới có chút mùi, tôi rất có ý thức độc hại nên đã tránh xa, trở về Sơn Đông 2 tháng. Đợi khi từ Sơn Đông quay lại, nhìn thấy mùi trong phòng bay hết mới yên tâm vào ở.

Năm 2007 dọn dẹp nhà, Đầu Trọc tiếc mấy thứ đồ gia dụng chưa dùng qua nhiều, coi chúng tựa như báu vật rồi lặn lội mang đi tận Trung tâm nghiên cứu ở Mân Hàng xài. Nào dè đâu, năm 2009, anh ấy bắt đầu nghiên cứu loại than hoạt tính nano khử Formaldehyde[1], có lần tình cờ khi làm thí nghiệm, mở thiết bị đo Formaldehyde, máy đo bắt đầu có dấu hiệu bất thường. Thông thường cao hơn 0.08 đã huy hiểm tới sức khỏe, mà chỉ số trên màn hình là 0.87.  Lúc đi điều tra hung thủ, từng món từng món đồ đạc bị loại trừ, mang vứt ra khỏi phòng thí nghiệm. Cuối cùng, đem mấy món đồ ở nhà đưa sang ra đo, kết quả, chỉ số của mấy món đó cao ngút trời xanh. Đầu Trọc lập tức như hóa đá!

Nhưng mà chuyện đã muộn, sau việc ấy nửa năm tôi khám ra mình bị ung thư. Bác sĩ bắt đầu giáo dục phổ cập cho Đầu Trọc về bệnh ung thư, trong đầu anh ấy cứ lờn vờn hình hình của mấy món đồ gia dụng và những chỉ số Formaldehyde đáng căm phẫn kia. Bác sĩ nói: khối u ung bướu không dễ dàng hình thành đâu, để phát bệnh ung thư cần có một thời gian dài, phát triển từ từ, phải qua nhiều giai đoạn. Từ tế bào bình thường, diễn biến thành tế bào ung thư, rồi hình thành khối u, thông thường cần 10-20 năm, thậm chí dài hơn. Khi các nhân tố nguy hiểm làm tổn hại nghiêm trọng hệ thống phòng thủ của cơ thể, sức hồi phục của cơ thể giảm, đột biến gen bên trong tế bào tích lũy tới một mức độ nhất định, bệnh ung thư mới có thể phát sinh.

Các giai đoạn phát triển của bệnh ung thư là: tế bào bình thường => tăng trưởng không bình thường độ nhẹ (rối loạn phân bào) => tăng trưởng không bình thường độ trung bình => tăng trưởng không bình thường độ nặng (ung thư tại chỗ) => ung thư giai đoạn 1 (ung thư nội niêm mạc) => ung thư xâm lấn => di căn.  Từ bệnh trình tự nhiên cho thấy, dù là tế bào ung thư gan “vua của các loại ung thư” từ khi phát hiện tới lúc chết cũng còn 3-6 tháng sinh tồn. Theo tính toán, từ lúc ung thư khởi phát (lúc Alpha Fetoprotein_AFP) bắt đầu tăng nhẹ cho tới giai đoạn cuối, cần ít nhất 2 năm thời gian. Thời gian thực tế tính từ lúc 1 tế bào ung thư phát triển đến khi Alpha Fetoprotein tăng cao còn dài hơn thế. Trước khi lâm sàng phát hiện khối u ung thư vú, bình quân thời gian giấu bệnh là 12 năm (6-20 năm), tiến trình phát bệnh sau khi xác chẩn là 26.5~39.5 tháng.

Cũng tức là, bệnh ung thư vú của tôi rất có khả năng là những hạt giống do mớ đồ gia dụng năm xưa đã gieo. Những tế bào ung thư đó nằm chờ đợi một thời gian lâu dài, thừa lúc phòng tuyến miễn dịch của tôi có chỗ suy suyễn đã nổi dậy phản công. Đầu Trọc không nói nên lời, tôi cũng câm lặng. Đây là sự sơ suất chết người nhưng có ai mà ngờ tới chứ?! 

Một ngày ở phòng bệnh, nói chuyện trong đêm, tôi và Đầu Trọc không hẹn mà cùng nhắc tới mớ đồ gia dụng đó, tôi không cầm lòng được bèn nói đùa: nói không chừng cái bằng sáng chế cấp nhà nước ấy của anh sau này bán rất có giá, nhà báo sẽ giật tít : “bị đồ gia dụng có formaldehyde đã tàn hại tính mạng vợ, vị giáo sư đại học dùng cả đời nghiên cứu ra loại than hoạt tính để phục thù”.

Ai dè Đầu Trọc gằng giọng nghẹn ngào : anh thà cả cái kiếp chó má này sống đời tầm thường cũng không muốn thấy mấy cái lời lẽ đó thốt ra từ miệng của bất cứ ai! Tôi đột nhiên ý thức rằng: những lời nói đùa của tôi đối với nội tâm anh ấy không phải là lời nói đùa, mà là lời mỉa mai nặng nề! Một người cả đời vùi đầu vào phòng thí nghiệm phát minh ra chất liệu mới khử Formaldehyde nhưng chưa từng ý thức được người vợ của mình lại tháng ngày nằm vùi mình trong môi trường có nồng độ cao Formaldehyde, đến cuối cùng mắc phải bệnh nan y.


[1] Hợp chất hữu cơ formaldehyde (còn được biết đến như là metanale), ở điều kiện bình thường là một chất khí có mùi hăng mạnh. Nó là aldehyde đơn giản nhất. Công thức hóa học của nó là H2CO. Phần lớn formaldehyde được sử dụng trong sản xuất các pôlyme và các hóa chất khác. Khi kết hợp cùng với phênol, urê hay mêlamin, formaldehyde tạo ra các loại nhựa phản ứng nhiệt cứng. Các loại nhựa này được sử dụng phổ biến như là chất kết dính lâu dài, chẳng hạn các loại nhựa sử dụng trong gỗ dán hay thảm. Chúng cũng được tạo thành dạng bọt xốp để sản xuất vật liệu cách điện hay đúc thành các sản phẩm theo khuôn. Việc sản xuất nhựa từ formaldehyde chiếm hơn một nửa sản lượng tiêu thụ formaldehyde. Do nhựa formaldehyde được sử dụng nhiều trong các vật liệu như gỗ dán, thảm, và xốp cách điện cũng như do các nhựa này sẽ thải formaldehyde ra rất chậm theo thời gian nên formaldehyde là một trong các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà. Ở nồng độ trên 0,1 mg/kg không khí, việc hít thở phải formaldehyde có thể gây ra các kích thích mắt và màng nhầy, làm chảy nước mắt, đau đầu, cảm giác nóng trong cổ họng và khó thở. Phơi nhiễm formaldehyde lớn hơn, ví dụ do uống phải các dung dịch formaldehyde gây nguy hiểm chết người. Formaldehyde được chuyển hóa thành axít formic trong cơ thể, dẫn đến tăng hoạt động của tim, thở nhanh và nông, giảm thân nhiệt, hôn mê hoặc dẫn đến chết người. Những người ăn uống nhầm phải formaldehyde cần được chăm sóc y tế ngay.

Trong cơ thể, formaldehyde có thể làm cho các protein liên kết không đảo ngược được với DNA. Các động vật trong phòng thí nghiệm bị phơi nhiễm một lượng lớn formaldehyde theo đường hô hấp trong thời gian sống của chúng có nhiều dấu hiệu của ung thư mũi và cổ họng hơn so với các động vật đối chứng, cũng giống như các công nhân trong các nhà máy cưa để sản xuất các tấm ván ghép từ các sản phẩm gốc formaldehyde. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng các nồng độ nhỏ hơn của formaldehyde tương tự như nồng độ trong phần lớn các tòa nhà không có tác động gây ung thư. Formaldehyde được Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ phân loại như là chất có khả năng gây ung thư ở người và được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) coi là chất gây ung thư đã biết ở người (Người dịch tổng hợp từ Wikipedia)