Những người bạn đáng mến
Nói ra thì có chút xấu hổ, tôi làm chuyện công ích từ rất sớm nhưng cống hiến thì bé tẻo teo. Lúc nhỏ, trường học tôi có phát động phong trào “đôi bạn cùng tiến”, cụ thể là một trẻ em thành thị dành dụm tiền lẻ để hỗ trợ học phí cho một bạn nhỏ khác ở nông thôn, rồi đôi bên viết thư liên lạc qua lại. Tôi tham gia chương trình nghiêm túc cực kỳ luôn. Điều làm tôi đau lòng là phong trào chỉ là hình thức để trường học và thầy hiệu trưởng đem đi báo cáo thành tích hoạt động xã hội. Đến năm thứ 2 thì không còn hô hào chi thêm nữa. Nhưng điều làm tôi tự hào là tôi rất nghiêm túc quán triệt hành vi của mình. Trường tìm giúp tôi một em gái nhà ở Sào Hồ – An Huy tên W, tôi cứ giúp miết cho đến khi em ấy không còn muốn học nữa. Em ấy kiên trì học được 8 năm, lên đến lớp 10. Tôi cũng kiên trì được 8 năm, lúc đó hình như tôi cũng xong cử nhân rồi.
Tôi tính tổng cộng số tiền hỗ trợ trong 8 năm không quá 1000 tệ. Lúc đó hình như học phí quá rẻ hay sao đó hoặc vật giá ở địa phương đó rất thấp. Tôi cũng không rõ lắm, chỉ nhớ, năm đầu tiên chỉ có 32 tệ, đợt gởi cuối cùng thì hình như 350 tệ.
32 tệ đối với giá tiêu dùng thời đó, đối với một gia đình không khá giả của tôi, đối với tôi thời thơ ấu thì là một số tiền không lớn cũng không nhỏ. Nhưng giờ nghĩ lại, với 32 tệ hiện thời không đủ để đi xe taxi mà năm xưa lại có thể đem ra hành thiện, lại có thể thay đổi được cuộc đời của một cô bé ở một góc nào đó trên thế gian này, lại có thể trở thành một câu chuyện lý thú xảy ra ngay bên cạnh tôi, quả là một cảm giác quá tuyệt diệu.
Tuy tôi mang hư danh là tiến sĩ kinh tế, chứ thiệt tình không giỏi quản lý tài chính. Số tiền này là khoản đầu tư đáng giá nhất trong phần nửa đầu của cuộc đời. Tôi ngưỡng mộ tài đức thời niên thiếu của mình quá đi mất. Haha.
Tôi và W tới giờ vẫn chưa từng gặp mặt nhau, mối liên lạc sau cùng cũng bị tôi làm thất lạc trong những lần di cư xuất ngoại. Nói ra không ai tin, chúng tôi chỉ liên lạc đơn thuần, cuộc sống trước giờ không có giao lưu. Nếu không có cuộc gọi kia của cô bé thì người trên thế gian này chưa từng biết chúng tôi có từng có một khoảng thời gian qua lại như thế.
Tôi không biết W có phép thuật gì mà lại biết tôi mắc bệnh lại moi được đâu ra thông tin để liên lạc được với tôi. Số là tôi đang đuổi theo sau Khoai Tây mớm nước cho nó, điện thoại di động reo, bắt lên nghe thì là một tiếng khóc rống, tôi alô alô mãi không thấy có ai nói gì thêm bèn cúp máy. Sau đó điện thoại lại reo, sau khi bắt máy lại là một tràng khóc như mưa, lâu lâu kèm tiếng kéo hơi để ráng nín. Tôi lại cúp máy đuổi theo mớm nước cho Khoai tây. Điện thoại lại reo, tôi buộc miệng chửi “tổ cha”, Khoai Tây thì cười nắc nẻ. Lúc tôi thầm tự trách mình nói bậy trước mặt con thì nghe thấy đầu dây bên kia có tiếng thút thít: “chị ơi, em là W đây!”
Thế gian quả thần kỳ, bạn bút thất lạc nhau mười mấy năm nay lại tìm được.
W hiện đang sống rất tốt. Ông xã sửa cửa nhôm kiếng (chắc là bán mới đúng nhỉ?), sắp sinh con, mang thai đôi, cặp giò đang sưng to như chân voi, mặc quần bông ấm hai đùi cọ nhau đi đứng khó khăn. Tôi thấy tiếc vì mình không thể đi ăn tiệc đầy tháng, sẵn tiện nhìn mặt người bạn cùng tiến hơn 18 năm này. Còn em ấy thì tiếc là biết tôi bị bệnh mà chưa thể đi thăm.
Thực ra, liên lạc được bạn cũ giỏi lắm là vui mừng chứ không thể nói là lý thú. Chuyện lý thú là em ấy đã tiền trảm hậu tấu phái anh chồng rất khôi hài đến Thượng Hải thay mặt mình thăm bệnh. Trong việc này tôi không biết nên nhận định là phong trào phụ nữ lạm quyền lên cao hay nói bà mẹ trẻ em đang được ưu ái!
Mấy ngày sau, tôi lại nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông lạ, anh ta nói là ông xã của W, “tiện đường” đến Thượng Hải, tôi thiệt tình không tin đây là “tiện đường”, nhưng anh ta nói là ngồi xe thâu đêm tới, đang ở đất Thượng Hải rồi. Không gặp được tôi về bà xã sẽ không cho vô nhà. Câu cuối cùng anh ta nói có chút hồi hộp, ấp a ấp úng, pha lẫn ngại ngùng, làm tôi cảm thấy anh ta không có nói đùa. Không gặp được tôi thì rất có khả năng ngủ chái bếp!
Tôi gởi cho anh ấy địa chỉ, rồi tiếp tục cuốn mình trong chăn xem tiếp phim “Thu hoạch”, vừa đợi Đ và M tới. Tôi không phải đang chửi thề đâu nha mà ĐM là một cặp vợ chồng. Chồng họ Mạnh, vợ họ Đỗ, nên tôi viết tắt là ĐM. Bọn họ là cặp đôi được tôi mai mối thành công 4 năm trước, trước khi tôi chuẩn bị xuất ngoại. Năm đó M làm việc ở Hồng Kông còn Đ đi Hồng Kông học, tôi tiện thể nước-xuôi-đẩy-bè giới thiệu cho họ quen nhau. Đ cần có người chăm sóc, còn M thì âm thầm nhờ tôi làm bà mối.
Không lâu sau đó, chuông cửa reo, người nhà mở cửa, tôi nghe thấy giọng cao thé của M bèn như con diều tung người ra khỏi chăn, mặc vào cái áo độn bông của nàng Thu Cúc (nhân vật trong phim Nàng Thu Cúc đi kiện do Củng Lợi thủ vai – ND) cố tình giả vờ đi catwalk bước ra đón khách. Nói ra để hiểu thì xin giải thích 2 câu chuyện cũ.
Đầu tiên là lần cuối cùng gặp mặt ĐM là M mời, một mặt để tiễn tôi đi xuất ngoại, còn chuyện quan trọng hơn là để khẳng định quan hệ yêu đương với Đ. Chúng tôi một nhóm 8 người sau đi ăn cơm xong thì lao đi ra Fullhouse, một quán bar trên đường Hoài Hải để quẩy. Lần đó tôi uống khá bạo, tới mức gục ngủ tại bàn. Khi tôi lơ ngơ tỉnh dậy thì nhìn thấy đám chúng tôi không biết tại sao đang gây gỗ với một đám người lạ, thế là trong đầu bốc hỏa, vác cái chay bia Thanh Đảo 350ml lên định giúp đỡ “500 anh em” mình. Ai dè đâu chưa xung ra tới trận cảnh sát tới. Tôi kịch liệt kêu oan nhưng trọn cả ổ đều bị lôi về đồn cảnh sát.
Cảnh sát bắt đầu tra hỏi lấy khẩu cung, đến lúc hỏi tôi làm gì, tôi nói là sinh viên Phúc Đán, anh ta hỏi năm mấy, tôi nói nghiên cứu sinh Tiến sĩ năm nhất. Anh cảnh sát nổi nóng nói tôi cố ý mượn rượu giả điên không chịu hợp tác. Lúc đó tôi mặc một cái áo lót không tay kim tuyến, cái quần soọc siêu củng cỡn, đôi giày cao gót cũng kim tuyến. Ngoại trừ không có hóa trang ra, trông cũng không khác gì mấy cô gái bán hoa.
Ánh mắt khinh thường của anh cảnh sát châm mồi lửa vào chút cồn còn sót lại trong người tôi, tôi bỗng đứng phắc dậy hét lên: “Phúc Đán thì sao, học tiến sĩ thì sao, bộ học Phúc Đán với tiến sĩ thì phải mặc đồ đàng hoàng đi bar mới được à? Bộ tôi không được có cá tính sao?”.
Sau đó tôi bắt đầu tập bước đi catwalk “bánh bèo” cho nữ tính. Vì câu chuyện này mà tôi muốn đi catwalk ra đón ĐM.
Câu chuyện thứ 2 là cái áo bông của nàng Thu Cúc. Tôi có người dì xem tôi như ruột thịt nhờ tôi đi sung hỷ cho bà cô ế chồng bạn đánh bài của dì ấy.
Cái đức hạnh này của tôi, cưới gả đều khó chứ nói gì mà sung hỷ? Nói vậy mà đương sự không chịu nghe, cứ chọn bông chọn vải may cho tôi cái áo bông bên trong là vải đỏ, bên ngoài là vải hoa trắng lá xanh nền đỏ nhà sến súa không thể sến súa hơn. Quần bông thì lại kiểu xưa hai ống xẻ tà. Tôi không muốn nhọc công người ta nên ngửa mặt kêu trời rồi mặc vô. Áo tuy xấu nhưng mặc vô cũng ấm. Cho nên mấy người bạn thân thiết tới nhà cũng quen với cái tạo hình Nàng Thu Cúc đi kiện của tôi rồi.
ĐM thì người từng chứng kiến qua rồi nên thấy người mặc áo Thu Cúc đi catwalk ra đón thì cũng không có gì đáng nói, có điều bi kịch là khi tôi và Đ gặp nhau ôm thắm thiết thì tôi nhìn thấy một người đàn ông lạ mặt hai mắt trợn tròng, miệng há hốc như cái cằm bị tháo khớp sắp rơi xuống!
Tôi lấy lại bình tĩnh chào anh ta, tôi hy vọng anh ta đi nhầm nhà hoặc là người đưa thư, không ngờ anh ta ngẩng ngơ chưa kịp định thần hỏi tôi: “Phải là nhà của cô giáo Vu không?”. Tôi khóc cười chẳng đặng nói “Phải”. Anh ấy gặng hỏi tiếp: “Cô giáo Vu, tiến sĩ Vu á?”. Tôi mặt cười xệ gật đầu nặng nề. Anh ta nói tên họ rồi lại xác thực tiếp. Tôi lại nói đúng rồi. Anh ta chau mày, nuốt nuốt nước miếng, từng chữ từng chữ một khó khăn nói: “Cô ấy là tiến sĩ á, sức khỏe đang không tốt”. Tôi cũng nuốt nước miếng theo nói “tôi ..là ..người..anh..tìm”. Anh ấy nói: “Tôi là ông chủ của W? Ơ, ở chỗ tụi tôi quen gọi ông xã là ông chủ”.
Nếu không phải là có mặt vợ chồng ĐM, tôi thật sự không biết làm thế nào tháo gỡ cục diện cam go này. M vỗ vai ông chủ của W nói “ông anh ơi, đúng rồi đó, tôi quen cổ mười mấy năm rồi, hàng giả bao đổi bao trả”. Nói rồi M kéo tay người huynh đệ kia vô nhà. Lúc chốt cái móc chống trộm lại, tôi cố ý quay người lại nhìn. M đang cười hihi haha, chắc là đang giải thích cho người huynh đệ mới tới đột ngột kia sự tích đi catwalk của tôi.
Tôi bắt đầu thấy nhẹ người và nghĩ: trên mạng “vuive” có câu nói, điên một mình không vui bằng điên có hội, đúng là quá kinh điển. Tôi chưa từng điên một mình nhưng tôi may mắn trong những ngày tháng này được cùng các anh em bạn bè điên có hội.
Do trong nhà có khách mà Khoai Tây quậy quá nên sau khi cho chào hỏi mấy cô chú rồi bị mang ra ngoài đi chợ. Người huynh đệ sau khi mắt nhìn Khoai Tây bị mang đi một hồi lâu rồi nói: “Cô giáo Vu này, bằng bé nhà cô tên gì thế?” Tôi vuột miệng nói luôn “Khoai Tây”. “Ớ!!?”. Ông chủ của W mặt khổ sở nói “Sao lại đặt tên như thế?”
Tôi không giải thích, người huynh đệ tự lẩm bẩm lí nhí: “W nói cô là người có nhiều học thức nhất, muốn nhờ cô đặt tên cho con chúng tôi, song thai”. Mặt người đàn ông căng thẳng hồi lâu lại nói tiếp: “Ái chà, nhưng mà cô Vu này, W nói cô là quý nhân của cô ấy, cô giúp đặt tên cho con chúng tôi nhé, có điều…có điều..đừng có đặt mấy cái tên kiểu như Khoai Tây như vậy có được không?”
Tôi không kiềm chế được nghiêm túc, Đ bên cạnh tôi giọng nghiêm chỉnh chen miệng vào: “Song thai à, thế thì đặt 1 đứa là củ cải, một đứa là cà rốt đi. Cả hai tên đều có đáng yêu riêng”. M vội vàng nháy mắt bảo dừng, người huynh đệ kia rõ ràng không muốn là cha của củ cải và cà rốt, nghe Đ nói vậy thì chau mày rồi thở dài. Con người thiệt thà này tưởng lời của Đ là thật. Nói nào ngay, thành thật là một đức tính tốt.
Người nhà nấu nước, nước sôi tôi nhấc người đi pha trà đãi khách, vừa rời khỏi chỗ ngồi, chuông điện thoại di động reo. Tôi lần theo tiếng chuông tìm chiếc điện thoại bị Khoai Tây vứt vô cái xó xỉnh nào chẳng rõ, nào dè người đàn ông kia vội gập người tỏ ý xin lỗi liên tục: “Thật ngại quá, tôi sợ đi nhầm nhà rồi về không biết ăn nói ra sao nên gọi điện thoại để xác…xác.. nhận cho chắc”!
Trong tiếng cười nắc nẻ của chúng tôi, M đi qua vỗ vỗ tay người anh em an ủi, còn ông anh kia cười thiệt là gượng gạo.
Cuối cùng khi tôi đã lắng được tiếng cười, đã hiểu được rằng người đàn ông kia phải gọi điện xác nhận thân phận của tôi là vì được bà xã giao cho một trong trách. Anh ta nhét điện thoại vào túi, sau đó từ trong ngực móc ra một cục gạch nhỏ gói kỹ bằng giấy báo đặt trên bàn trà. Trong thời khắc đó, sống mũi tôi cảm thấy cay cay!
Tôi như bị điện giật bắn người dậy, bắt đầu giằng co với anh ta, tôi lệnh cho M giúp sức. Hai người đàn ông ôm nhau diễn cảnh đấu vật trong phòng khách nhà tôi. Tôi biết M từng tập mấy năm Taekwondo nên tự tin đứng ngoài quan sát. Người đàn ông thoạt đầu có ý đồ quăng cục tiền trên bàn tôi rồi lao ra khỏi cửa chạy trốn, ai dè vừa mở cửa nhìn xuống đất, người đàn ông kia nói mấy câu nghe không hiểu gì rồi quay lại lấy cục tiền nhét vô túi áo len, đùng đùng chạy xuống dưới. Chưa đợi chúng tôi kịp định thần, anh ta đã quay trở lại trong tư thế dương dương tự đắc cùng tiếng gà trống đang kêu la và giãy giụa: “Hừ, hai đứa bây giỏi chạy tao coi!”. Trong tay là hai con gà trồng to khỏe từng thấy.
Tôi thiệt phục anh ta sát đất, hai con gà trống này được cột theo kiểu 2 người 3 chân trong mấy trò chơi dã ngoại. Người đàn ông bắt đầu luyên thuyên giới thiệu “Đây là đồ nhà nuôi bằng lúa, bà chị yên tâm, đáng lẽ định để nhà ăn nên không có cho ăn thức ăn công nghiệp. W nhờ tôi mang tới cho chị, nhưng chỗ tàu hỏa người ta không cho gà lên tài nên tôi phải nghĩ cách quá giang xe xóm bên có người về quê lên lại, chứ không thôi cũng chả biết phải làm sao? Trên đường đi xa, sợ gà mệt không thông máu huyết nên chỉ cột một chân, không dè tụi nó chạy tuốt xuống dưới luôn!”
Tôi hai tay chấp lại xá chào, vô cùng cảm kích, nói tiếng cảm ơn thật lòng sau đó đóng cửa lại, bảo M đẩy anh ta ra bên ngoài. Bởi vì tôi trăm ngàn lần không thể nhận tiền của họ, những đồng tiền họ kích cóp được từ mồ hôi nước mắt.
Sau đó nghĩ lại cảnh tình thật đáng cười: bên trong là một người phụ nữ mặc áo nàng Thu Cúc ngồi trên nệm, một “cô hầu” dán tai vô cửa nghe lén, lâu lâu chạy vô hồi báo tình hình. Bên ngoài là một nhân tài tài chính tiền tệ Hồng Kông mặc áo gilê len dày đang đấu Thái Cực quyền (ý nói đẩy qua đẩy lại cục tiền – ND) với một thanh niên nông thôn mặc áo dày trông như con gấu.
Sau đó, điện thoại di động tôi reo, W gọi. Sau hơn nửa tiếng đồng hồ nói chuyện, W sợ quá nài nỉ tổn hại sức khỏe của tôi, tôi sợ cô ấy quá xúc động ảnh thưởng cái thai. Cuộc gọi của cô ấy làm tôi cảm động vô cùng, cô ấy nói về ý nghĩa của 32 tệ đối với một cô bé gái miền quê, nói về sự khác biệt của việc được bỏ học lúc lớp 2 lớp 3 so với được học hết trung học, nói về khả năng hiểu biết thế giới của mình với những đứa con gái xung quanh, nói rằng nhờ đó mà mình thay đổi được cuộc đời. Còn tôi thì nói với cô ấy cảm thấy vô cùng sung sướng khi biết việc làm thiện của tôi lại có thể làm nên những điều như vậy. Có thể cô ấy không thể hiểu hết, ôm ấp một bí mật làm cho mình vui mà không thể nói ra cho người khác biết quả thật là hạnh phúc và hưng phấn!
Từng có một độ tôi cảm thấy “đôi bạn cùng tiến” có thể làm cho đứa tên Vu Quyên tâm hồn có vẻ cao thượng lên một chút. Chính vì một chút tự gọi là cao thượng ấy, một đứa bé 11 tuổi tự khẳng định sở thích của mình, sau đó tự âm thầm khẳng định sự lương thiện và tình thương của mình. Thích bản thân, khẳng định bản thân, đừng nói gì 32 tệ, giờ đây đó là cảm giác hưởng thụ mà có 320.000 tệ cũng không mua được.
Cuối cùng, W chịu thỏa hiệp gọi cho ông xã đang đứng trước cửa nhà tôi đợi chỉ thị quay về. M ở ngoài xoa tay lạnh cóng cuối cũng được vào trong lại. Khóc cười chẳng đặng kể: “anh ta trước tiên châm thuốc cho tôi rồi nhờ tôi nhận tiền giúp cho, còn thương lượng với tôi nếu giúp được sẽ boa cho tôi 200 tệ. Nghe rõ chưa, 200 tệ đó…haizz”.
Tôi biết, đó có lẽ là 200 tệ khiến M cảm động nhất từ trước đến giờ!