Những câu chuyện tự tử khôi hài
Từ lúc hóa trị lần 3, tôi đã nổi tiếng khắp tầng 22 của bệnh viện Thụy Kim, có một lượng fan đông đảo là các dì các mẹ lớn tuổi. Một là, bởi vì họ cho rằng tôi là một kỳ tích: ngày nào mới nhập viện, lao công lỡ tay chạm nhẹ chân giường làm lung lay thôi thì xương cốt tôi đau đớn muốn ngất, vậy mà chỉ sau 3 lần hóa trị thôi, tôi đã có thể nhân lúc không vô thuốc vô nước nhoi lên nhoi xuống lếch cái thân len lỏi qua mấy phòng bệnh kiếm bạn bệnh quen tám chuyện. Hai là, do tôi và Đầu Trọc cả hai đều gắn cái mác tiến sĩ mà có chuyên tâm nghiên cứu bệnh ung thư vú, nghĩ lại thì các dì các mẹ thật cũng dễ bị mê hoặc. Nhìn thấy tôi tranh luận sôi nổi các thuật ngữ y khoa và tên thuốc với các y bác sĩ rồi cứ nghĩ là tôi là một tiến sĩ đa tài. Do hai nguyên nhân đó rất nhiều các dì có tuổi hễ có việc hay không việc cũng tới kiếm tôi nói chuyện chơi vui.
Một ngày nọ, tôi đi qua phòng bệnh lớn tìm tiểu Ni Cô tức Dì Mỹ Phụng giường số 52. Dì đang tựa lưng trên giường được nâng đầu lên chừng một nửa, chau mày hỏi tôi: “Vu Quyên này, cô ăn học nhiều, cô nói xem có cách tự tử nào không đau đớn không?”. Biểu lộ của dì không phải đang nói đùa. Tôi biết dì là giai đoạn cuối, cũng di căn vô phổi, vô xương nhưng sự di căn rất nhẹ, chỉ thấy có một đoạn nhỏ ở trên bắp tay trái, nhưng cũng đau nhức đến mức hàng đêm đi dọc hành lang thì có thể nghe tiếng rên la xé tim xé phổi của dì ấy.
Tôi vô cùng thận trọng trả lời: “không biết” sau đó mặt tỏ ra dửng dưng đứng đấy. Tôi thừa nhận lúc đó tôi như bị xuất thần.
Sau đó trong phòng bệnh bỗng dưng bị phá vỡ sự yên lặng, có tiếng ai đó vang lên: “Tụi mình đều đang còn sống, nghĩ tới cái chết làm gì kia chứ?”.
Dì Mỹ Phụng có chút không phục nói: “Mấy người nói thiệt đi, mấy người mấy ai chưa nghĩ qua chuyện muốn chết hả? Đau đớn quá mà, ai chưa từng nghĩ rằng thôi chết phức đi cho khỏe”.
Cả phòng bệnh chợt chùn xuống. Sau đó mọi người bắt đầu kể về kinh nghiệm tự tử của mình.
Giường 53 là một người Thượng Hải, lần đó là lúc tôi gặp dì lần đầu tiên, sau này vì câu chuyện dì tự tử mà tôi gọi là dì Hoành Thánh.
Dì Hoành Thánh nói mình có số khổ, chân có tật đi đứng khó khăn bẩm sinh mà lại còn sứt môi, hơn 30 tuổi đã là góa phụ do chồng chết vì tai nạn lao động, để lại hai đứa con, một đứa 10 tuổi, một đứa 6 tuổi. Những năm 80, dì là lao động danh dự bị giảm biên chế đợt đầu của một xưởng bông vải quốc doanh. Nhưng mà khổ gì thì khổ cũng phải sống. Hai con nhỏ vẫn còn khờ dại, thế là dì bắt đầu làm hoành thánh, bánh củ cải, đậu hủ thúi đẩy xe đi bán ở khu Hạ Chỉ Giác kiếm sống. “Mấy cái này người Thượng Hải không có làm đâu”, dì giải thích cho tôi nghe. “Ban đầu không có đội quản lý trật tự quản, nhưng vì kiếm tiền, cũng đã phải như đội du kích đi khắp nơi”. Có chú em kia làm giúp cho chiếc xe đẩy đặc biệt để di chuyển quầy hàng linh hoạt. Sau này có đội quản lý trật tự quản lý thì hễ thấy xuất hiện họ dì ấy cứ cà nhắc đẩy xe bỏ chạy.
Ngày tháng rồi cứ thế cà nhắc trôi qua, khó khăn gì thì con cái cũng trưởng thành. Không uổng công lao của người mẹ. Anh trai cả bây giờ làm xuất khẩu hàng gốm sứ, kinh doanh phát đạt. Cô em gái sau khi học xong thì theo phụ anh trai. Dì Hoành Thánh cuối cùng không còn phải bán hoành thánh, đậu hủ thúi, không còn cà nhắc đẩy xe trốn đội quản lý trật tự nữa nhưng lại mắc bệnh ung thư vú.
Bệnh ung thư với một người không mấy được ăn học nghe thấy tên đã sợ muốn chết. Đau đớn phẫu thuật, sốc hóa trị ói tới mật trắng mật vàng, nỗi khổ tâm sống nơm nớp trong sợ hãi ấy khiến dì quyết định: nhảy sông Hoàng Phố! Mà là phải nhảy từ cầu Dương Phố nổi tiếng.
Dì nghĩ, “nếu mà không chết thì sao đây? Sông Hoàng Phố ô nhiễm dữ quá, ven bờ toàn rác ùn ứ, chưa chết ngộp đã chết thối, bị người ta vớt lên, Chúa chắc không thèm nhìn”.
Thế rồi dì ăn vận chỉnh tề, nhân một ngày nắng đẹp leo lên cầu Dương Phố, kinh nghiệm nhiều năm chạy trốn đội trật tự đã giúp dì dễ dàng chui qua được cái trạm gác nhỏ rồi đi ra tới bên rìa ở khúc giữa cầu. Nhìn thấy phồn hoa thế gian với cao ốc ngựa xe dập dìu, trong lòng không khỏi ngầm sinh cám cảnh, dù đã nghĩ tới vô vàng lý do để tự tử, nhưng đến lúc cuối cùng lại quyến luyến thế gian.
Dì Hoành Thánh bất giác quay người lại, rồi nhớ về chuyện cuộc sống hơn 50 năm qua ở khu Dương Phố. Ai dè đâu nhìn thấy một người đàn ông mặc đồng phục lao về phía mình, vừa đi vừa hét, dì ta hãi mình, ngỡ lúc-này-là-lúc-đó tức những tháng ngày bán hoành thánh phải vội vã hoảng hốt trốn chạy truy đuổi của đội trật tự. Thế là phản xạ bản năng, dì quay người kéo lê hai chân tháo chạy, chạy mãi xuống tới mặt đất đầu Phố Đông. Chân què mà chạy thục mạng chưa hẳn là chậm. “Mấy năm sau đó mấy người trật tự không ai chạy nhanh hơn tui đâu nha”, thần thái đắc ý của dì Hoành Thánh làm tôi nhớ lại chuyện con hoẵng và sư tử. Sư tử chạy là vì bữa ăn còn hoẵng chạy là vì tính mạng của mình.
Câu chuyện tự tử rối tung ấy của dì Hoành Thánh là chúng tôi ôm bụng mà cười. “Sau này nghĩ lại, hồi xưa khổ thế, những ngày sống không biết tương lai rồi cũng qua, bây giờ con cái đều ổn hết rồi, chịu tội thì chịu tội đi. Bệnh thôi mà, có trị thì được sống. Cô xem, tôi nấn ná riết cũng được 3 năm rồi”.
Cứ tưởng câu chuyện của dì Hoành Thánh đã đủ đau bụng rồi ai ngờ dì giường số 56 sau khi nghe xong mặt tỉnh bơ: “Bà tự tử mệt lắm chỉ là một lần lếch xuống cầu, tôi thì còn thảm hơn, chết mà không chết được nè”.
Giường 56 là người An Huy, nghe nói trước giờ ở miết trong thôn vì bị say xe. Trước khi bệnh chưa từng đi ra khỏi nhà quá bán kính 20km nếu ấy nhà dì ấy làm tâm. Nhưng người phụ nữ thoạt nhìn tưởng nhỏ bé ấy lại có sức mạnh phi thường. Dì từ nhỏ mất mẹ, cha lấy mẹ kế, sau đó mẹ kế độc ác ngược đãi con chồng. Dì là con gái lớn, 15 tuổi phất cờ khởi nghĩa dọn ra ở riêng. Thậm chí sau đó xuất giá theo chồng mà còn mang theo 2 đứa em trai gái út. Sau những tháng ngày nằm gai nếm mật đã nuôi dưỡng được mấy đứa em thành triệu phú hết. Dì thì thủ cựu, vẫn thích sống theo kiểu những ngày ba cọc ba đồng.
Biết mình mắc bệnh ung thư vú, dì tối mặt bất tỉnh nhân sự, em Út từ Thượng Hải, Thâm Quyến, Đài Châu và Trì Châu phi ngay về, cả cái bàn 8 chỗ ngồi kín để bàn bạc làm sao chữa trị cho người một thời từng là trụ cột và mái che cho cả nhà. Dì tự cảm thấy tổn thương tinh thần với lại không nghĩ là bị ung thư vẫn có thể sống, nên cảm giác chờ chết không dễ chịu bằng một dao chết phức. Người phụ nữ có tuổi này thế là cứ miên man nghĩ ngợi, đột nhiên nhìn thấy trên cửa sổ nhà bếp có treo cái bình có vẽ cái đầu lâu. Như tóm được báu vật, vớ ngay chạy về phòng, chốt cửa lại tu ực ực liền một hơi.
Nếu bạn nghĩ dì ấy uống thuốc trừ sâu dỏm rồi không chết thì là lầm to, dì không uống thuốc trừ sâu mà uống dầu nhớt động cơ do con trai dì đựng tạm trong cái bình ấy.
Tôi ngớ ngẩn hỏi dì: “Dầu nhớt sao mà lộn được với thuốc trừ sâu chứ? Nhìn là biết dầu rồi!”. Bà dì hỏi ngược lại tôi: “ai từng uống qua dầu nhớt với thuốc trừ sâu chứ hả? Với lại cái bình con trai tôi treo đó tôi chưa từng thấy qua, cứ tưởng thuốc trừ sâu cao cấp thì là vậy”.
Người đàn bà có tuổi tội nghiệp kia đã quyết chết, dù uống một hơi rồi nôn một trận, nhưng lại tiếp tục uống sạch trơn nửa bình nhớt còn lại. Tưởng đâu kết thúc rồi thì người em rể phá cửa đi vào, xốc dì vác lên vai như vác nửa bao ngô mới thu hoạch, vừa lao nhanh ra cửa vừa hô lớn: “Lái máy kéo ra đây!”
Nghe nói chuyện đó là một cảnh tượng hoành tráng náo động cả nông trang, chuyện qua sau một năm vẫn còn có người hể hả khi kể lại: một người đàn ông lớn tuổi lái chiếc máy kéo phóng băng băng trong hoảng hốt, nói đúng hơn là nhảy tưng tưng trên những còn đường núi gập ghềnh, còn không ngừng ngoái đầu ra sau nhìn. Một người phụ nữ có tuổi đầu chúi xuống đất, bị vác trên vai một người đàn ông khác, một người phụ nữ trẻ phụ trách bê cái đầu của người có tuổi, một người đàn ông khác thì phụ trách móc cổ họng, vừa đi vừa ói, thật là ly kỳ!
Bệnh viện huyện nghe đâu rất giỏi xử lý cấp cứu phụ nữ uống thuốc trừ sâu và trẻ con đuối nước, nghe kể nguyên do bèn vội vàng làm qua một lượt súc ruột, súc bao tử bất chấp có cần thiết hay không. Đương nhiên là cần chứ nếu không bà dì làm sao có thể an nhiên ngồi trước mặt chúng tôi kể chuyện.
Chúng tôi nghe kể đau hết cả bụng, còn đương sự cũng kiềm chế một hồi, nghĩ ngợi một hồi rồi nói: “Cái miệng của tôi, ba ngày chưa hoàn hồn, cái ống nong hậu môn (súc ruột) nó làm tôi cả tuần không xuống nổi giường”. Tôi cười ra nước mắt, tôi tin dù có xảy ra chuyện gì nữa dì ấy cũng không dám uống thuốc trừ sâu tự tử nữa đâu.
Nằm cùng phòng nhỏ với tôi là dì Chỉ Tiêu. Nghe tên hiểu ý, chỉ tiêu của dì cao hết hồn, CA-153 gần đạt 900 nhưng không đau không ngứa cũng không có xuất hiện triệu chứng bệnh nên trở nên nổi tiếng cả tầng này. CA-153 là một tiêu chí quan trọng để dự đoán và sàn lọc bệnh ung thư vú, người bình thường sẽ dưới 30, cho nên đủ để hình dung cảm nhận của dì khi biết CA-153 của mình cao tới 900. Dì Chỉ Tiêu bình thường ít di chuyển, nhưng nghe bên này chúng tôi sôi nổi quá bèn lượn qua tham gia. Thấy chúng tôi nói chuyện về đề tài này cũng bất giác chạnh lòng kể ra kinh nghiệm tự tử của mình.
Dì Chỉ Tiêu có một gia đình hạnh phúc, có của ăn của để, chồng thương yêu con hiếu thảo. Khối u của dì là dò ra lúc đi tắm, cho nên phát hiện cũng không trễ lắm, cùng lắm là thời kỳ giữa. Nhưng nghe bác sĩ nói dì mắc ung thư vú, đùng một cái ngã lăn quay ra không phải là dì mà là người đàn ông đứng sau dì, sau khi về nhà người khóc lóc kêu gào to tiếng nhất cũng không phải là dì mà là mấy đứa con của dì.
Có thể do cuộc sống quá hạnh phúc thuận lợi, cả nhà dì Chỉ Tiêu không để đối diện với cái hiện thực tàn khốc này. Bệnh nhân gượng không nổi, gia quyến cũng không, vùi đầu than khóc, động một tí là tiếng khóc thấu trời xanh. Khiến cho hàng xóm từ sáng tới tối cứ tưởng đâu là trong nhà dì có người mới chết. Có thể là do bệnh ung thư quá đáng sợ, có thể là do hóa trị quá khó chịu, càng có thể là do không khí quá âm u, thế là dì Chỉ Tiêu quyết định “đi nhanh cho rồi”.
Điều buồn cười là, người phụ nữ thân lá ngọc cành vàng này nghĩ không ra cách chết sao cho giữ được thể diện. Nhảy lầu thì chết khó coi, cắt cổ tay thì máu tanh quá, treo cổ thì không kiếm được cột kèo, uống thuốc trừ sâu thì siêu thị không có bán, cả thuốc diệt trùng thì cũng toàn mấy chai xịt, nằm ngang đường ray thì khó thực hiện. Nghĩ đi nghĩ lại, uống thuốc ngủ là tốt nhất.
Dì Chỉ Tiêu không giống dì Nông Dược, dì ấy có văn hóa mạng, lên mạng tra thông tin, nếu tự tử bằng thuốc ngủ thì phải đủ 200 viên.
Thế là dì Chỉ Tiêu bắt đầu tích lũy thuốc ngủ như tích lũy gia tài. Bắt đầu, nói dối mình bị mất ngủ, kêu bác sĩ kê toa, đồng thời để ngăn ngừa người nhà cùng ăn cùng ngủ phát hiện dì lấy một chiếc vớ mới làm cái túi nhỏ tùy thân. Mỗi lần thuốc ngủ được mang tới (Bệnh viện cứ mỗi 8 tiếng phát thuốc đúng số lượng, tuyệt đối không phát dư). Dì làm bộ ngậm trong miệng rồi quay người chui vào trong chăn, rồi lén lấy thuốc giấu vô túi vớ, rồi nhét vô trong áo gối.
Muốn kích cóp đủ 200 viên thuốc cần một thời gian đủ dài, trong khoảng thời gian này, dì Chỉ Tiêu phát hiện tốt nhất cứ nên ngồi bàn đánh mạc chược như xưa, ông xã dì cảm thấy bà xã mình hổ báo trở lại, con dì cũng cảm thấy mẹ mình không giống người đã bị chôn xuống đất tới cổ họng. Cả nhà họ trong khoảng thời gian này đủ dài này biết được không phải cứ hễ bệnh ung thư là phải chết, biết được chỉ tiêu cũng chỉ để tham khảo, chỉ tiêu có thể hù dọa người ta chứ không phải hễ chỉ tiêu cao là phải chết.
Thuốc ngủ vẫn chưa gom đủ nhưng dì Chỉ Tiêu đã không còn muốn chết nữa, phương án hóa trị của dì cũng rất nhẹ, làm hóa trị cũng không gây phản ứng gì cả, thế là dứt khoát nhân lúc mọi người không để ý chạy vô nhà vệ sinh vứt 120 viên thuốc ngủ gom được vô bồn cầu. Nói nghe vui lắm, bồn cầu không phải vì uống thuốc ngủ mà tê liệt nhưng do dì Chỉ Tiêu trong lúc vội vã đưa ra quyết định sinh tử này quá xúc động mà vứt luôn cả vớ làm nghẹt cả cái bồn cầu luôn @@.
Tối hôm đó dì Chỉ Tiêu nằm tâm sự với tôi, hỏi tôi có từng nghĩ qua cái chết hay chưa, tôi chỉ cười thầm trong bụng mà không trả lời.
Sống và chết, con đường của cái đầu tiên đối với tôi mà nói nó giống như con tằm nhả gần hết tơ, còn chuyện chết thì là lại quá đơn giản. Không chỉ đơn giản mà còn rất dễ chịu thoải mái, không còn phải ngày đêm chịu đau nhức trong xương. Nhưng mà nếu chết, thì sẽ làm những người tôi yêu thương nhất trên thế gian này gánh chịu nỗi đau ấu-niên mất mẹ, trung-niên mất vợ, lão-niên mất con. Tuy có thể kéo dài sự sống hay không tôi không thể quyết nhưng chí ít tôi phải vì những người thân yêu của mình mà tranh đấu. Không bao giờ có chuyện tự tàn hoại bản thân, bởi vì tôi là một người mẹ. Tuy nhiên tôi chỉ là một người mẹ bất lực. Cái bây giờ duy nhất tôi có thể tặng cho con là nụ cười, điều bây giờ đây tôi chỉ có thể làm cho con là lòng kiên cường.
Tôi không biết có cơ hội nuôi con thành tài hay không nhưng sẽ dùng những hành động hôm nay để nói với con trai mình: “Mẹ con không phải kẻ yếu hèn, cho nên trong cuộc sống của con, gặp những chuyện và người đáng trân quý, con phải tích cực tranh thủ lấy, có thể sẽ thất bại nhưng không thể bỏ cuộc”.
Tôi muốn làm một người mẹ đáng tự hào của con. Chỉ điểm này thôi dù cho tới kết cục nào, tôi cũng sẽ không chọn cách tự kết liễu, dù cho có đau đến vạn kiếp không thể trở lại!