Ông nội của anh chim công
Mỗi lần bệnh nguy kịch, tôi luôn được nằm giường cấp cứu đẩy vào phòng bệnh, giường sẽ được đẩy ra tới hành lang rồi có 7-8 người gồm bác sĩ y tá và bạn bệnh quây quần xem tôi biểu diễn hơn nửa tiếng đồng hồ trò rùa bò chuyển giường. Ở bệnh viện Thụy Kim như thế, Trung Sơn cũng vậy.
Lúc chuyển từ Đơn vị chăm sóc đặc biệt của bệnh viên Trung Sơn ra, đã hơn 8h tối, phòng bệnh đã một màu yên ắng. Sự có mặt của tôi đã phá vỡ sự im lặng đó, y tá bác sĩ bận bịu là trong phận sự của họ không có gì phải nói, nhưng có kẻ bận hơn họ là gia quyến của hai cha con nhà kia. Một ông già gầy còm nhưng khỏe khoắn, dùng một giọng nói cực kỳ khó nghe nhưng đầy nội lực hướng qua một kẻ đang di chuyển khổ sở là tôi nói “cố lên”, y như cố tình làm cho rối loạn thêm. Con gái của ông cụ, thuộc cái dạng chẳng ý chẳng tứ, gương mặt bánh bao, mặc bộ đồ màu ô-liu trông không có vẻ lanh lợi. Nể lời dạy của Phật A Di Đà tôi không muốn hình dung thêm ngoại hình bộ dạng của chị ta. Chị này ước chừng cũng hơn 40 tuổi, nhưng không có chút tế nhị quay hỏi cha mẹ đang lòng đau dạ thắt của tôi: “Cô em này còn trẻ thế mà bị bệnh gì vậy, coi bộ nặng à”
Tôi vừa bò vừa thổ huyết vừa im lặng, sau đó tôi thật sự chịu không nổi khi thấy chị ta làm khó mẹ tôi, vì tôi biết mỗi lần khi có ai hỏi câu hỏi này thì mẹ tôi giống như đang bị dao nhọn đâm vào tim. Thế là tôi gắng gượng nâng nửa người lên, không chút nể nang nói với cái mặt bánh bao kia: “Đây là phòng bệnh ung thư, tôi đương nhiên là bệnh ung thư chứ bệnh gì nữa, mấy người không phải có người nhà bệnh ung thư nên mới vô đây sao? Hay vô đây đi dạo?”
Thế là, ông cụ già gầy còm và cái mặt bánh bao lập tức im re, trở về phòng bệnh.
Sau khi ổn định tôi mới biết, hai người họ là người nhà của bà cụ tinh thần khỏe khoắn, gương mặt sáng sủa nằm giường đối diện tôi. Bà cụ không nói nhiều, tôi lịch sự cười với bà, bà cũng cười đáp trả lại.
Ông cụ ở lại qua đêm, mặt bánh bao về khách sạn nghỉ ngơi, chung tôi cũng ổn định, mọi người ngủ một đêm không nói chuyện gì.
Sáng hôm sau thức dậy tôi và mẹ mới phát hiện, bà cụ không giỏi nói tiếng Phổ Thông, không di chuyển được…Lời của bà nói chỉ có ông nghe mới hiểu. Nhưng bà cụ là một bà già hết sức hoạt bát, rất có hứng thú với tôi, liên tục hỏi tôi chuyện đông chuyện tây, bao nhiêu tuổi, kết hôn chưa…Ông cụ bắt đầu phiên dịch, nhưng giọng rất nặng. Thế là mặt bánh bao mang đồ ăn sáng tới, bắt đầu làm phiên dịch của phiên dịch, thiệt là mệt. Mặt bánh bao dịch lấy dịch để rồi nói với bà cụ: “Mẹ à, mẹ dừng một chút có được không, cha còn chưa có ăn cơm kìa”. Không đợi mà cụ phản ứng, ông cụ giận dữ nói: “Mày không thích nói thì tránh qua một bệnh, để tao nói thay cho mẹ mày”.
“Cha ở đó mà bênh bả đi, mệt đừng than!”. Mặt bánh bao lãi nhãi không dừng, sau đó quay qua chúng tôi diễn thuyết, từ đó chúng tôi phải khâm phục ông cụ.
Chuyện là, Bà cụ tinh thần tươi tắn kia thì ra là bệnh nhân bị bại liệt 15 năm rồi! Ông cụ miệt mài chăm sóc bà suốt 15 năm qua không ngơi nghỉ. Sáng hơn 5h nấu đồ ăn sáng, 8-9h đưa bà đi mua rau, trưa về làm cơm, bà cụ ăn no ngủ đủ thì ngủ trưa, ông đi giặt đồ, giặt đồ xong bà thức dậy thì muốn đi ra phố kiếm đồ ăn vặt, ông bèn đẩy xe lăn luyện gân cốt 2 tiếng đồng hồ nữa, bà cụ ăn vặt thỏa mãn, ông lại bắt đầu đi nấu cơm tối. Cơm tối ăn xong, mùa đông bà cụ muốn xem tivi tới 11h hơn mới đi lau mình, ngày hè bà cụ lại đi ra ngoài hóng mát, trở về mới tắm. Nửa đêm bà cụ tỉnh giấc, một tiếng ư hử là ông cụ bật dậy như lò xo đưa đi vệ sinh.
Mấy ngày sau đó, tôi phát hiện, bà bão trước giờ không bao giờ “giải quyết” trên giường, mỗi lần đi là phải xuống giường ngồi lên một cái ghế đặc biệt để tiểu tiện, trời ơi, thật khổ thân ông cụ. Việc chăm sóc hầu hạ này là một công việc vĩ đại, một ông cụ chỉ chừng 55 kg phải khiêng bà cụ hơn 75kg xuống giường, đỡ bà ngồi nhón lên để kéo quần xuống, dìu ngồi lên ghế, sau đó chùi mông rồi khiêng lên trở lại giường.
Bệnh tình của bà hình như vô cùng phức tạp, chỉ số jaundice gây bệnh vàng da hơn 200. Trước hết phải làm phẫu thuật can thiệp, đưa vào người một cái ống hạ thấp jaundice rồi sau đó coi tình hình thế nào mới đưa ra cách điều trị. Có điều bà cụ vẫn không biết mình bị ung thư, cho nên bà cụ cứ luôn hơn hớn, đòi đông đòi tây, lúc đòi ăn thịt xiên nướng, lúc thì muốn ăn ô mai ngâm. Ông cụ không biết phải nghe theo bác sĩ hay nghe lời vợ. Bởi vì bà cụ bại liệt nhiều năm, chỉ số thông minh IQ giống như một đứa trẻ con, không cho ăn thì sẽ bù lu bù loa nói mãi. Chỉ vì ngăn không cho ăn kẹo sữa do tiểu đường mà càm ràm nguyên cả buổi sáng, khiến bệnh nhân cả phòng chẳng được yên theo. Bọn tôi chịu hết thấu, nhưng ông cụ bị ngược đãi kia vẫn cứ đầy kiên nhẫn: “Bà xã ơi, cái này không ăn được đâu, không ăn được đâu”, thiệt là nể phục ông sát đất.
Sau khi phẫu thuật bà lão được khiêng về phòng bệnh, trời ạ, người trong phòng ai mà chẳng đau bệnh, tuy ít có ai im re giống tôi, nhưng cũng chỉ ai da vài tiếng, còn bà cụ thể lực thì tốt nhất mà thâu đêm không ngừng kêu la, bà ta dùng cái thứ ngôn ngữ riêng có, lúc kêu ông là cái này khi bảo ông làm cái nọ. Mặt bánh bao tuy là con gái nhưng chưa bao giờ ở trực qua đêm. Tôi cảm thấy xấu hổ thay cho chị ta.
Ngày thứ 2, hết thẩy bạn bệnh mặt mày ai nấy đều héo úa còn bà cụ vẫn cứ kêu gào, bụng trái của bà có một ống dẫn lưu, vậy mà yêu cầu ông cụ cho mình nghiêng qua trái, vết dao ở thắt lưng mà yêu cầu ông cụ nâng mình ngồi dậy. Trời ơi, tôi thấy thương hại cho ông cụ quá. Lên lên xuống xuống, một ngày mấy mươi bận mà không có một tiếng oán than.
Nhưng ông cụ chắc là Hoàng Cái trong truyền thuyết (Tam Quốc Chí- ND), cam tâm tình nguyện chịu đòn.
Do phẫu thuật, bà cụ không thể xuống ghế đại tiểu tiện nữa. Bà cụ bắt đầu sử dụng bô đi tiện trên giường mà lẽ ra người bại liệt đã sớm phải làm quen. Sau đó nước tiểu vây ra, ông cụ dùng quần áo chèn lên vết nước, cho tới khi mặt bánh bao kêu y tá cho thêm áo drap giường.
Do tình trạng sức khỏe bà cụ không rõ như thế nào ấy, bà tạm thời không thể hóa trị, thế là mấy ngày sau bị cho về.
Trung Quốc Got Talent có anh chim công (nhân vật trong Got Talent, có vợ bị mất trí, anh phát minh ra một đuôi chim công phát sáng để nhảy múa làm cho cho vợ cười-ND), thế thì ông cụ 75 tuổi kia phải là ông nội của anh chim công.
Có lẽ mọi cuộc tình đều không thể lâu dài, nhưng có được 15 năm như vậy, bà cụ đã là một người phụ nữ hạnh phúc rồi.
Thực ra thân nhân người bệnh còn đau khổ nhiều hơn người bệnh, bởi vì người bệnh khổ thân còn người nhà khổ tâm. Bệnh nhân bệnh thì có thể nằm lên giường bệnh mà nhắm mắt ngủ, còn gia quyến thì phải trèo đèo lội suối vắt óc tìm đường đi. Một bụng khổ đau mà ngoài mặt phải tươi tỉnh làm chuyên gia tâm lý cho người bệnh đang u uất. Người nhà bệnh nhân mới là thật sự khổ, mới thật sự vĩ đại.
Những bệnh nhân như chúng tôi sở dĩ còn sống là vì có sự tồn tại của họ. Bệnh đau làm chúng tôi mất hết tất cả năng lực giúp đỡ họ, chúng tôi từ những đồng chí chen vai sát cánh giờ trở thành gánh nặng, chúng tôi có sự áy náy, chuyện áy náy này là quá bình thường, nhưng đừng để sự áy náy này thành vách ngăn giữ bệnh nhân và người thân, làm họ tăng thêm gánh nặng. Vì lòng bao dung của họ, vì sự dịu dàng của họ, vì sự bi mẫn của họ, đừng khiến họ gia thêm gánh nặng tâm lý. Đó mới là chuyện chúng ta nên cố gắng làm. Tuy bệnh tật làm cho sinh mệnh trở nên đau khổ, nhưng có được nhiều tấm chân tình hơn khiến chúng tôi không thể bỏ cuộc, tuy bệnh thật làm sinh mệnh chúng tôi trở nên thảm đạm, nhưng có thêm nhiều điều tốt đẹp khiến chúng tôi không nỡ buông tay. Cho nên chúng tôi lựa chọn cùng nhau kiên trì, cùng nhau chiến đấu.