Tiểu Thụy
Từ hồi có bệnh, gió to sóng lớn, mấy lần sống chết, nhưng lạ là tôi lại không thể viết ra được mấy chuyện than thở về cuộc đời, chẳng lẽ đó thật là sự khác biệt giữa hai cảnh giới “Ban sơ chưa khổ vờ than thở, nay khổ chán rồi tả gió trăng”?
Một người bạn bảo tôi nên chia sẻ, chia sẻ lại những câu chuyện và cảm ngộ tôi đã trải qua mà hiếm người được biết, biết đâu chừng mấy con chữ này của tôi sẽ thay đổi cuộc đời của ai đó. Những thứ này tuyệt đại đa số mọi người sẽ chẳng bao giờ được biết, nhưng trong số đó có một số thứ là cốt lõi của cuộc đời nhưng ngày thường dễ bị ngó lơ nhất. Bất kể có ý thức được chúng hay không, khi đến khúc cuối cùng người ta đều phải đối mặt với mạng số của chính mà cố tu sửa để bám giữ.
Tiểu Thụy không phải là bạn bệnh đầu tiên của tôi nhưng là người mẹ trẻ tôi có ấn tượng sâu đậm nhất. Trước khi Tiểu Hằng nhập viện, tôi luôn là con bệnh đứng đầu bảng “bệnh nhân đáng thương” của bệnh viện Thụy Kim. Thông thường mắc ung thư vú là mấy bà già trên 50 tuổi, nghỉ hưu hoặc gần về hưu, điều đáng tiếc nhất của họ là không được hưởng thụ cái tuổi già nhàn hạ. Còn tôi, mẹ nó (cho phép tôi được chửi thề), mới học xong tiến sĩ, sự nghiệp vừa khởi sắc, cuộc đời mới bắt đầu. Nhưng chuyện đó coi như không tính, đau buồn nhất là con trai mới 14 tháng, vừa biết gọi mẹ, mà thân lại là con gái một. Vừa mới bắt đầu có thể đem tiền lương ra mua cha mẹ vài chiếc áo len mới đã dính ngay ung thư mà còn là di căn thời kỳ cuối. Tuy tôi không tự nhận mình là quả trứng ung đáng tội nghiệp nhất, nhưng các y bác sĩ kể cả lao công, sau khi nhìn thấy tôi và người nhà đều suýt xoa to nhỏ với ánh mắt đầy vẻ thương hại.
Sự có mặt của Tiểu Thụy đã thay thế địa vị quả trứng ung đáng thương hại nhất của tôi, tuy rằng bệnh tình cô ấy nhẹ hơn tôi nhiều.
Cô ấy trẻ hơn tôi 2 tuổi, con gái 5 tháng tuổi, ung thư vú giai đoạn giữa.
Hoàn cảnh của cô ấy chắc cũng chỉ có trên phim ảnh.
Tiểu Thụy và ông xã là bạn cùng thời đại học, cả hai cực kỳ yêu trẻ con. Sau kết hôn 6 năm mãi vẫn chưa có được mụn con nào. Sau đó đi kiểm tra khả năng sinh sản mới biết ông xã làm kỹ sư kia có một số vấn đề nên rất khó thụ thai. Sau đó nhiều chuyện trắc trở (chuyện trắc trở gì thì mẹ cô ấy không có kể), cuối cùng đại sự đạt thành. Tiểu Thụy ngày ngày như gấu trúc mẹ dưỡng cái thai nhi như chăm trứng mỏng, cuối cùng khi “gấu trúc con” được hơn 5 tháng thì càng ngày cô càng cảm thấy bên ngực trái có điều bất ổn. Người từng có kinh nghiệm mang thai đều biết, trong thời gian mang thai thì ngực luôn cảm thấy bất ổn, nhưng cái bất ổn của Tiểu Thụy thì quá ư là bất ổn. Thế nên trong lần khám thai đầu tiên cô ấy đem chuyện ấy nói ra với bác sĩ.
Không ngờ, bác sĩ sau khi sờ vào bầu ngực do mang thai của Tiểu Thụy mà có hơi biến dạng một chút mặt biến sắc, vội vội vàng vàng kê cho một đống đơn yêu cầu đi kiểm tra. Tiểu Thụy mang hàm “Chuẩn Mẹ” (nói ví von kiểu quân hàm Chuẩn Úy, Chuẩn Tá – ND) vô cùng lo lắng việc làm kiểm tra sẽ ảnh hưởng thai nhi, mò lên máy vi tính tra suốt hai ngày mới chọn được hai hạng mục làm kiểm tra. Kết quả kiểm tra vừa đưa ra thì sắp xếp làm tiếp xét nghiệm đâm kim.
Mẹ của Tiểu Thụy nói, Tiểu Thụy thương con trong lòng rất lo ảnh hưởng thai nhi, lúc đâm kim còn từ chối dùng thuốc tê.
Kết quả xét nghiệm đâm kim: bướu ác tính, ung thư tuyến vú.
Các bác sĩ nghiêm túc tìm tiểu Thụy và người nhà nói chuyện: phải cho sinh sớm, nghỉ ngơi một tuần rồi làm phẫu thuật cắt bỏ, bạch cầu di căn chưa rõ nhưng sau khi phẫu thuật chắc chắn sẽ làm hóa trị”.
Hai vợ chồng ôm đầu khóc.
Mao chủ tịch từng nói: chỗ gió và ánh nắng vô hạn là đỉnh núi cheo leo ….
Chỗ khác nhau giữa phụ nữ có học và ít học, có lẽ là ở tố chất tu dưỡng thường thể hiện ra trong cuộc sống. Ông xã vẫn còn đang gào khóc bất chấp người xung quanh thì Tiểu Thụy bình tĩnh lạ thường hỏi bác sĩ: có cách nào đợi tới khi tôi sinh xong mới làm phẫu thuật và hóa trị không?
Bác sĩ trầm tư nói: “nguy hiểm lắm, nguy hiểm đến tính mạng của cô. Ung thư không giỡn chơi được đâu, khống chế sớm được phần nào thì khả năng sống thêm được phần đó”
Tiểu Thụy lại hỏi: “tôi không khả năng đợi đến khi sinh xong mới giải quyết chuyện ung thư này không? “
Bác sĩ nói: “cô nghĩ cho kỹ đi, bởi vì rất có khả năng không đợi đến khi con cô sinh ra thì tế bào ung thư đã phát tán, tới lúc đó cả con cô cũng khó giữ”.
Tiểu Thụy truy hỏi: “nhưng tôi có khả năng sinh nó ra phải không?”
Bác sĩ bị dồn bức cuối cùng nói: “thật ra có rất nhiều phụ nữ cả đời không sinh con mà, tính mạng mình quan trọng hơn”
Tiểu Thụy mắt ngấn lệ cười nói: “tôi thì nghĩ là, có con thì tôi mới là phụ nữ hoàn chỉnh. Nếu không thì sống và chết cũng không có gì khác biệt lớn”.
Nếu là chưa từng bị ung thư, tôi sẽ rợp mình quỳ sát đất nể phục Tiểu Thụy, tôi sẽ bị quyết định của cô ấy làm cho cảm động không nói nên lời. Nhưng mà, hiện tôi cũng đang là một người mẹ giành giật với cái chết suốt một năm qua. Tôi chỉ có thể nói, quyết định và giải pháp của cô ấy là biểu hiện của một thứ tình yêu thuần khiết vô ngã đẹp đẽ nhất thế gian.
Đối với tính mạng, đối với giá trị của tính mạng, cô ấy có đôi chút thiếu tính toán. Nhưng nếu tình yêu chỉ là một mạng đổi một mạng thì quá giản đơn, quá dễ dàng rồi. Một khi đứa con ra đời, dù bạn có mang cả tính mạng cho nó bạn cũng không cảm thấy đủ, bạn sẽ cam tâm tình nguyện chết vì nó, nhưng bạn sẽ chết không nhắm mắt vì: tôi chết rồi, bà ngoại cho nó uống nước không biết nước có bị lạnh quá không?
Đương nhiên, trước đây tôi không quen Tiểu Thụy, dù có quen tôi cũng sẽ không khuyên cô ấy làm theo lời bác sĩ, bởi vì Tiểu Thụy nói cho tôi biết, đây là cơ hội duy nhất để cô ấy được làm mẹ, dù cô ấy nghe theo lời bác sĩ sớm làm phẫu thuật sớm hóa trị. Do tế bào ung thư và Estrogen (Hormon nữ) và Progesterone (kích tố mang thai) có liên quan mạnh với nhau, sau này sẽ không thể mang thai sinh con.
Trong nhân thế mỗi người đều có thứ mình thật sự muốn có. Biết được mình muốn gì là vô cùng may mắn, và có thể thật sự bỏ mạng để đạt được mục tiêu đó, tôi cảm thấy đó là hạnh phúc.
Tình mẹ của Tiểu Thụy đánh động lòng trời, ván bài đó cô ấy đã thắng, cô ấy thuận lợi lâm bồn, sinh hạ một cô con gái khỏe mạnh. Đáng tiếc cô bé chỉ uống được sữa mẹ 10 ngày. Tiểu Thụy cười ha ha nói đùa rằng, hai bình sữa bằng thịt 100% thiên nhiên giờ chỉ còn lại một.
Mỗi con người được sinh ra như thế nào chỉ có người mẹ mình mới biết rõ. Hãy bớt một chút thời gian lên mạng vô bổ, về nhà hỏi mẹ thử, bà ấy chưa chắc dứt khoát rõ ràng như Tiểu Thụy đã làm nhưng cũng từng liều mình, từng dũng cảm dùng một mạng đổi một mạng mà sinh ra bạn. Trên đời này mỗi người không giống nhau, nhưng người phụ nữ khi sinh con, đều có cùng chung một nỗi đau như vậy.
(Nhân vật tiểu Thụy tên thật Lưu Hằng, đã mất)