Đứa bé đi dây thép
Thực ra, trong đội quân chống chọi ung thư, tôi chỉ là một anh lính quèn vô cùng mỏng manh, vô cùng vô cùng non trẻ, không dám nói lên mặt nói cái gì gọi là kinh nghiệm, rất nhiều lúc, tôi chấp nhận nguy kịch để chứng minh điều gì sai, nhưng tôi vẫn không thể xác tín được, hoặc có thể nói có rất ít điều tôi dám khẳng định là đúng. Đối với những thứ có thể giúp ích cho việc hồi phục bệnh tật tôi vô cùng sẵn lòng chia sẻ, cho nên sẽ có nhật ký sinh mệnh của tôi. Có một dạo tôi thậm chí luôn tự cười nhạo bản thân mình là một đứa bé đi dây thép ở độ cao 500 mét giữa không trung, đáng sợ hơn, tôi không biết đâu là phương hướng, lỡ mà sai một bước là sẽ rơi xuống vực sâu thịt nát xương tan, sẽ không có ai cho tôi có cơ hội làm lại một lần nữa.
Tôi không muốn bất cứ ai ôm đầu quờ quạng kiếm tìm giống như tôi nữa.
Có lúc, người ta tự bất ngờ về chính mình, ví dụ như, tôi chưa từng nghĩ qua mình có thể đối mặt với ung thư kiểu như thế này.
Có lẽ do chuyện tới quá đột ngột, khi tôi biết mình mắc ung thư thì đã thời kỳ cuối, tế bào ung thư đã chạy đi khắp xương cốt. Trước kia đọc truyện kiếm hiệp, mấy từ kiểu như “đoạn trường” (đứt ruột), “thực cốt” (ăn mòn xương), “hủ tâm” (mục tim) cũng không xa lạ, nhưng chưa thực thật sự rõ ý. Qua kinh nghiệm trận ung thư di căn thời kỳ cuối này, tôi đột nhiên hiểu ra thực cốt là di căn vô xương, đoạn trường và hủ tâm là trải nghiệm hóa trị.
Nhìn lại khoảng thời gian vừa qua, đã mấy lần cận kề cái chết, mấy lần lãng vãng quỷ môn. Thực ra làm người, không phải chết qua một lần thì không còn sợ chết nữa mà càng chết thì càng sợ chết. Cái gọi càng sợ chết, có nghĩa là càng lưu luyến càng coi trọng cái thế giới này. Trước lúc này, tôi là một phàm nhân có tri thức nhưng thiếu văn hóa. Ngoài môn triết học ở trường, thì hồi cấp 2 có có đọc qua quyển tóm tắt lịch sử triết học Đức căn bản. Trước giờ chưa từng suy nghĩ về chuyện sinh tử chứ đừng nói chi tới chuyện nhìn sinh tử bằng quan điểm triết học.
Những giày vò của bệnh tật đã nắn tôi thành một triết gia nghiên cứu về chuyện sinh tử của con người. Tôi nói với bạn bè, anh chị đừng tưởng là mình dạy triết ở Giao Đại (Đại học giao thông Thượng Hải_ND) là giỏi nhé, anh chị chưa chắc suy tư các vấn đề triết học nhiều như tôi bây giờ đâu. Nếu nói bệnh ung thư có mặt tích cực với con người thì đây có thể tính là một trong số đó. Bởi vì trong thời kỳ cuối của ung thư bạn rất dễ sống minh bạch
Tuy nhiên, có lẽ là hơi muộn.
Trước đây tôi là người quản giao nhiều bạn, đây có thể là do có liên quan đến tính cách. Trước kia hễ thấy gặp được ai, nói chuyện được là có duyên phận, thì là bạn bè. Thế nên bạn bè tôi có vô số, thượng vàng hạ cám đủ loại. Nhiều bạn đương nhiên là chuyện tốt, nhưng bạn quá nhiều cũng mệt thân mệt óc.
Có lẽ là do quá trẻ hay do quá khờ khạo tôi nên không biết phải làm thế nào để từ trong biển người mênh mông, thậm chí trong đám bạn tôi kết giao ấy sàng lọc ra những người bạn thật sự.
Rồi có một ngày cơn bệnh ung thư đột ngột kéo đến cuốn của tôi đi hết toàn bộ, bới tung đất đá bụi mù nhưng lại giúp đãi cát lựa vàng. Tôi chỉ cần nằm yên, nhắm mắt dưỡng thân là đã có thể phân biệt ai là “bạn”, ai chỉ là “bè”. Có thể nói đối với tôi đó là một chuyện may mắn. Bởi vì tôi để có được một người bạn phải đánh đổi đi rất nhiều rất nhiều người.
Chuyện ung thư giúp tôi biết nếu vẫn còn có kiếp sau thì ai là người tôi sẽ đáng phải đánh đổi. Bạn bè đến thăm tôi hoặc không đều không quan trọng. Quan trọng là ánh mắt, thái độ thậm chí giọng nói qua điện thoại ngay khi tức thời nghe tin tôi mắc bệnh đã biểu lộ ra hết. Bạn sẽ cảm thấy bạn có thể thản nhiên cười nhạt trước mọi chuyện thế thái nhân tình. Di chứng hậu ung thư sẽ làm nội tâm của đương sự càng mẫn cảm còn biểu hiện ra bề ngoài thì lại càng khờ khạo đi. Tôi nghĩ, cuối cùng tôi đã tu luyện được khả năng “Tâm như sấm động mà mặt lặng tợ hồ thu” mà tôi hằng ngưỡng mộ. Đây có thể nói là điều tích cực thứ 2 do ung thư mang lại.
Với tôi ung thư lại là một ngã rẽ của cuộc đời. Người khác nhìn có vẻ như cuộc đời tôi đã tàn. Có lẽ cuộc đời cũng như trăng kia, lúc tròn nhất cũng là lúc phải khuyết. Với người ngoài nhìn vào, tôi thật xui xẻo.
Nếu nói về gia đình thì: kết hôn được 8 năm, vừa thêm cậu con trai, nickname Alpha. Con trai đang ê a tập nói. Vốn có kế hoạch xin đi làm visiting scholar (học giả làm nghiên cứu ở một trường khác không phải trường mình_ND) của đại học Harvard rồi về sinh thêm một đứa con gái đặt tên Beta. Kết quả Beta chưa thấy mà Anpha chuẩn bị thành con không mẹ. Nhìn lại cha mẹ mình, có đứa con gái độc nhất cuối cùng đã thành đạt sự nghiệp, gia đình viên mãn, cứ tưởng có thể hưởng thụ tuổi già an nhàn, chứ có dè đâu đùng một cái, đầu bạc chuẩn bị tiễn kẻ đầu xanh. Nếu luận về sự nghiệp thì cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ một mạch thẳng tiến, công tác thì mới được một năm mà phong thủy bắt đầu vượng, xin dự án bất kể của quốc tế hay cấp nhà nước hay tỉnh thành đều trúng cả. Như chim hạc mới bắt đầu ra lông, vừa đập cánh đã bị số mệnh dìm đầu vào cát. Tính mạng có giữ được không vẫn còn chưa biết, nhưng chắc chắn kiếp này phải sống dưới chân của con gà.
Thật ra, tôi rất lấy làm lạ là dù ung thư, trừ việc đau bệnh ra, bản thân tôi lại thất vui vẻ nhẹ nhàng đến lạ.Chuyện may hay rủi trước giờ chưa hề nghĩ qua. Tôi cũng không có gì gọi là quá mất mát khi cuộc đời tàn lụi. Bởi vì, chỉ khi có một tính mạng đang còn sống mới có thể xa xỉ bàn chuyện cuộc đời. Hơn nửa năm qua của tôi, khi càng phải chuyên tâm giành giật để được sống thì mục tiêu rất rõ ràng và đơn nhất, tự nhiên cũng không nghĩ quá nhiều việc muốn kéo dài thêm tính mạng.
Còn những nỗ lực trước tuổi 30 của tôi là vì bản thân có quá nhiều dục vọng và dính mắc, chứ không đơn giản là chỉ mong-sao-được-sống-là-được như bây giờ.
Tôi không phải cao tăng, nếu không vì mắc chứng bệnh này, chắc cũng không rũ bỏ được bụi trần. Trận ung thư này ngược lại khiến tôi không thể không buông bỏ tất cả. Xem ra nhờ vậy mà mọi việc đơn giản quá, được dứt áo sống giản dị mà chân thực. Nếu ông trời có định số, thì tôi chỉ mong sống-qua-mỗi-ngày-là-được. Nếu ông trời không định diệt tôi, vậy thì ung thư lại là một hồi chuông cảnh tỉnh: Tôi vất vả ba mươi năm làm con thiêu thân để làm gì?
Danh-lợi-quyền-tình, không có cái nào là không mang đến đau khổ, nhưng không có cái nào có thể mang theo được.