https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js

  

Sự kiên cường và mềm yếu của tôi

Tôi luôn cho rằng mình là một người kiên cường ngoại hạng.

Tuần cuối cùng của năm 2009 tôi được xe cứu thương đưa vào bệnh viện Thụy Kim, đặt vào phòng cấp cứu.

Chủ nhiệm phòng bệnh lý nhìn thấy tấm phim chụp CT toàn thân đen ngòm ấy của tôi bèn hỏi liền một câu “Bệnh nhân hiện đang giảm đau bằng gì?”

Ông xã tôi, gã Đầu Trọc khả ái, trả lời: “Dạ hiện không có dùng bất cứ loại thuốc giảm đau nào hết!”

Vị chủ nhiệm hơn 40 tuổi phà ra một hơi thở lạnh, nhả từng câu từng chữ một nói: “Thường người bệnh tới bước này như cô ta thì đều gần như đau đớn đến muốn chết đi cho rồi!”

Lúc bọn họ thực hiện đoạn đối thoại đó, tôi chỉ nín thở, cắn chặt răng gắng chịu đựng, tôi chưa chết, cũng chưa khóc.

Đợi trong phòng cấp cứu 3 ngày 2 đêm. Bác sĩ không thể xác chẩn là ung thư xương, ung thư phổi, máu trắng hay là ung thư gì khác.

Phòng cấp cứu có lẽ giống như bức tường địa ngục, một cánh cửa tự động mở mọi lúc kèm theo gió đông hàn lạnh, liên tục có mang bệnh nhân nguy cấp được đưa vào. Những bệnh nhân bên cạnh tôi tuy đều nằm trên giường nhưng xem ra tinh thần đều khá hơn tôi, chí ít họ không phải đau đớn đến nỗi chẳng động đậy nổi. Nhưng mà những người hàng xóm này, giữa 2 giờ khuya phất cờ gióng trống đi vào nằm cách tôi không tới hai bước chân, chưa đợi tôi có tinh thần chào hỏi xã giao thì đến hơn 5 giờ sáng đã bị tiếng gào khóc của gia quyến họ đánh thức, tấm drap trắng đắp phủ kín mặt. Không cần nhắc, tôi biết người đó đã vội vã “đi” rồi.

Cứ tim gan kinh hãi như vậy suốt 3 ngày 2 đêm. Tôi không khóc, biểu hiện lý trí đến lạ thường. Tôi chỉ dùng chút ít sức lực lúc liền lúc đứt còn sót trong người ghi lại mấy bức di thư, an ủi mẹ tôi nhìn thấu đáo chuyện sống chết cuộc đời.

Sau đó, một ngày hai lần chích xuyên xương tủy. Việc chọc vào xương cốt đối với tôi mà nói thật ra cũng không phải là đau đớn. Đầu Trọc ở bên cạnh thấy tôi bị chích vào xương, quay mặt vào tường không nỡ xem tiếp, mẹ tôi thì cũng đã trên bờ vực suy sụp tinh thần. Điều tôi đau đớn lúc ấy là tế bào phá xương đã lan khắp toàn thân, thân thể không chịu đựng nổi xúc chạm, hễ chạm vào là như muốn chết đi sống lại. Sự đau đớn đó không phải do đâm chọc vô xương mà do tế bào ung thư mỗi phút mỗi giây đang gặm nhắm xương cốt.

Tôi vẫn không khóc, không phải vì kiên cường mà bởi vì đau đến nỗi không nghĩ được tới chuyện khóc. Lúc đó chỉ có thể gắng hết sức chịu đựng. Nếu hơi lơ là phân tâm thì sẽ đau đến ngất. Tôi thì lại không muốn người nhà nhìn thấy sự đau đớn của mình.

Vào ngày đầu năm 2010, chẩn đoán xác nhận nói tôi bị ung thư vú kỳ thứ tư, cũng tức là giai đoạn cuối, tôi thở ra một hơi dài, không khóc, mà ngược lại còn cười ha hả trong nội tâm.

Bởi vì kết quả này là một trong những kết quả tốt nhất trong dự đoán của tôi.

Đã mắc ung thư thì mắc ung thư vú cũng coi như là loại mạnh mẽ.

Còn việc giai đoạn cuối tôi đã sớm biết trước. Toàn thân không thể động đậy, không phải đã phát tán di căn thì còn có thể là gì nữa?

Phát hiện quá trễ, tế bào ung thư gần như phát tán đến mọi xương cốt quan trọng, không thể phẫu thuật nên thế là hóa trị. Thứ hóa trị như địa ngục!

Lúc ban đầu, phản ứng rất dữ, nôn mửa liên tục.

Khi đó toàn thân tôi không thể cục cựa, dù nôn mửa cũng chỉ có thể nghiêng đầu, nhiều lắm là 45 độ. Trên người, trên gối, trên chăn, trên quần áo đều là mấy thứ nôn mửa ra. Có lúc đồ ăn còn bắn ra từ khoang mũi, mỗi ngày ói mấy chục lượt.

Thật ra, nôn mửa thì cứ nôn mửa đi, nhưng đáng sợ nhất là, khi nôn sẽ kéo theo chấn động lồng ngực, mà cột sống và xương sườn tôi hễ chấn động thì đau đến nỗi có thể làm ngất đi. Người ta hình dung đau đến thấu xương, tôi nghĩ bây giờ mình đã thật sự hiểu rõ cái ý nghĩa cốt tủy của từ này. Mỗi ngày mấy chục lần nôn mửa là mấy chục lần tôi đau đến phát ngất.

Người khác lúc hóa trị thì mấy thứ lục phủ ngũ tạng khó chịu, tôi cũng vậy, có điều nó không đáng nhắc tới. Lúc đó, tôi vẫn không khóc. Bởi vì tôi nghĩ, cứ tiếp tục kiên trì, tôi sẽ có thể sống tiếp.

Sau 6 lần hóa trị, tôi trở về nhà.

Con trai Khoai Tây mới 19 tháng tuổi, thằng bé vui sướng tung tăng bám mẹ.

Bà ngoại bảo: “Khoai Tây hát cho mẹ nghe đi”.

Khoai Tây nằm sấp trên đầu gối, mở to miệng bi bô giọng trẻ con: “Trên đời chỉ có mẹ là tốt, con có mẹ như là báu vật.”

Lời ca chưa dứt nước mắt tôi đã tuôn chảy trước rồi.

Có thể rồi đây, chỉ cần sơ suất một chút một chút xíu thôi, con trai tôi rồi sẽ trở thành cỏ rác.

Vu Đan[1] nói: “Ý chí của một người có thể càng ngày càng kiên cường, nhưng con tim sẽ càng lúc càng mềm yếu đi”.

Trong vô thức tôi đã đi đến điểm này. Giờ mới phát hiện, hai thứ này vốn liên thông với nhau.

[1] Vu Đan (Yu Dan) sinh năm 1965, nhà văn, là nhân vật hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, văn học, truyền bá văn hóa ở Trung Quốc. Hiện nay, bà là giáo sư, phó viện trưởng Viện Nghệ thuật và Truyền thông Đại học Sư phạm Bắc Kinh (ND)