Theo nhận định một số chuyên gia y tế uy tín, trong tình huống tích cực nhất, phải đến tận tháng 6/2020 thế giới mới có thể công bố hết dịch SARS-CoV-2. Thông thường, tại Việt Nam, mùa cao điểm đón du khách quốc tế từ tháng 10 đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Như vậy, ngay sau khi hết dịch, Việt Nam sẽ đồng thời rơi vào mùa thấp điểm của khách du lịch quốc tế.

Trong bài viết này tôi muốn gợi ý thêm một hướng tháo gỡ khác riêng cho du lịch ĐBSCL, cũng là một định hướng lâu dài thông qua việc nhìn nhận lại tiềm năng của du khách nội địa, đặc biệt ở phân khúc cao.

Lang Hoa Sa Dec

Ở các nền kinh tế mới nổi và phát triển, du lịch nội địa luôn là động lực chính của ngành du lịch. Theo báo cáo năm 2017 của hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), có 22 trong số 31 quốc gia được phân tích (có cả Việt Nam), du lịch nội địa chiếm ít nhất 50% tổng chi tiêu du khách. Du lịch nội địa trở nên quan trọng ở hầu hết các quốc gia này, được thúc đẩy bởi dân số trung lưu ngày càng tăng hoặc tăng sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng trong nước, sáng kiến của chính phủ trong việc thúc đẩy các địa điểm mới và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và liên kết kinh tế giữa khu vực nội bộ khác nhau.

Screen Shot 2020-03-14 at 5.54.11 PM

Cũng từ kinh nghiệm nhiều địa phương trên thế giới cho thấy, du lịch nội địa giúp hỗ trợ và tăng cường niềm tự hào của các địa phương và quốc gia, tạo cơ sở cho việc nâng cấp hạ tầng, phân tán du khách về mặt địa lý giữa các khu vực, thu hẹp biên độ dao động tính thời vụ và tạo cơ hội việc làm. Từ đó, nó thúc đẩy sự thịnh vượng cho người dân địa phương và giúp thu hút các nhân lực trẻ có trình độ cao. Quan trọng nhất là, một ngành du lịch nội địa mạnh mẽ cũng có thể giúp một quốc gia chịu được các cú sốc và biến động nhu cầu có thể phát sinh khi khủng hoảng ảnh hưởng đến thị trường nguồn bên ngoài. Nước láng giềng Thái Lan tuy là một đất nước có tỷ trọng du lịch quốc tế cao nhất trong các nước được nghiên cứu, nhưng nhiều năm vừa qua trong các tình huống cần hồi phục nhanh sau các vụ khủng bố, biểu tình… ngành du lịch nước này luôn sử dụng các biện pháp ưu tiên kích cầu du lịch nội địa, như là một công cụ hữu hiệu nhất.

4837_anh_tau_2

Quay về với du khách nội địa

Nhìn lại năm 2019, nền tảng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda cho biết các điểm đến trong nước vẫn tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu của du khách Việt trong năm qua.  Các thành phố ở Việt Nam vẫn được các du khách ưu ái chọn lựa như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang, Hội An, Phan Thiết và đảo Phú Quốc.  Riêng Phú Quốc, theo một thống kê sơ bộ năm 2019, khách nội địa đến hòn đảo này du lịch đến 78,9%. Điều này một lần nữa khẳng định việc quay trở về chăm sóc phân khúc khách nội địa, nhất là phân khúc trung và cao cấp, không chỉ là việc làm nhất thời trong mùa đại dịch, mà cần có một sự nhìn nhận đúng với vai trò và tiềm năng của nó với định hướng chiến lược lâu dài khi thu nhập của người dân đang dần được cải thiện.

victoria-nui-sam-ivivu-14

Du lịch ĐBSCL mang nhiều đặc trưng trải nghiệm phong phú, nhiều tài nguyên bản địa và sản vật đặc trưng, nên rất thích hợp làm điểm đến lý thú của TP.HCM cho những hoạt động nghỉ dưỡng cuối tuần. Văn hoá phương Nam phóng khoáng, thiên nhiên hào sảng cũng là đặc điểm khiến du khách phương Bắc thích thú khi đến trải nghiệm vùng đất này. Có thể nói, ĐBSCL có sẵn tài nguyên và thị trường, vậy tại sao vẫn chưa nằm trong các điểm đến nội địa được ưa thích như tiềm năng của nó? Tôi nghĩ rằng nó thuộc về tư duy thiết kế sản phẩm cho du khách nội địa. Trong khi không thiếu các gói sản phẩm cao cấp cho du khách quốc tế, các sản phẩm dành cho thị trường nội địa dường như luôn được thiết kế với giá rẻ hơn là sự đẳng cấp. Các tour trải nghiệm đời sống nông thôn phần nhiều thường đi theo hướng đời sống “tá điền”, du lịch dã ngoại nhắm đến phân khúc bình dân, chứ không phải tái hiện đời sống hưởng thụ của những “công tử Bạc Liêu” dành cho những đối tượng có nhu cầu chất lượng dịch vụ cao cấp và nghỉ dưỡng.

resort-mekong-reveside-ivivu-4

Thế nên, trong mùa dịch này, các đơn vị du lịch khu vực ĐBSCL (lưu trú, vận tải, hàng không, lữ hành) nên cùng nhau bắt tay tạo ra các gói sản phẩm kích cầu cao cấp. Kích cầu lần này không chỉ là để “giải cứu”, mà quan trọng hơn là nhắm vào mục tiêu “sampling (cho dùng thử)” các dịch vụ cao cấp vốn chỉ dành cho du khách nước ngoài, hướng đến phân khúc trung cấp trở lên như là một cách “mớm mồi”, “giáo dục” thị trường. Đây cũng sẽ là cơ hội tốt để ĐBSCL làm mới lại hình ảnh vốn luôn bị dính chặt với “chân lấm tay bùn”, thay vào đó là resort cao cấp ven sông, ăn tối trên du thuyền và vận chuyển   bằng đường hàng không.

Chương trình Một làng – Một sản phẩm (OCOP) đã bắt đầu hình thành ở ĐBSCL. Từ góc độ du lịch, chương trình này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho du lịch địa phương. Cần kết nối các doanh nghiệp thuộc mạng lưới OCOP vào hệ sinh thái du lịch vùng, đưa du khách đến các thị trấn và làng mạc để dùng thử sản phẩm theo hướng cao cấp, giúp doanh nghiệp làm thương hiệu sản phẩm, vừa làm phong phú thêm các dịch vụ trải nghiệm.

ntt_0731-1_osbp

Về chiến lược lâu dài, để khuyến khích khách du lịch trong nước đến với ĐBSCL, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh liên kết du lịch vùng trong việc triển khai xây dựng chính sách giá, sản phẩm du lịch, chiến dịch tiếp thị và quảng cáo, chia sẻ chi phí trong việc xây dựng các platform thông tin du lịch vùng, liên kết vận tải và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

Lương Hà (theo TGHN)