Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm nông nghiệp ở Việt Nam, hàng năm cung cấp hơn 50% sản lượng lúa gạo, tôm cá và trái cây sản xuất tại Việt Nam. Những năm gần đây với những chính sách và đề án phát triển nông nghiệp nông thôn đi vào chiều sâu, chính quyền các địa phương và doanh nghiệp đã và đang áp dụng các biện pháp nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực thông qua cải tiến công nghệ thu hoạch, xây dựng thương hiệu, nâng cấp chuỗi giá trị… Bên cạnh đó, một hướng đi mới cho khu vực này đang mở ra thông qua ý tưởng biến phụ phẩm nông nghiệp thành chính phẩm.
Trên thế giới, việc làm gia tăng giá trị phụ phẩm nông nghiệp thật ra được quan tâm khai thác từ rất sớm, hiện nay họ đang được tập trung nghiên cứu trên 3 lĩnh vực chính: chiết xuất tinh chất vi lượng, năng lượng sinh học và nguyên vật liệu sinh học. Từ những kết quả nghiên cứu này, phụ phẩm nông nghiệp không những không trở thành gánh nặng môi trường hay trở thành thức ăn gia súc gia cầm như cách làm truyền thống, mà nghiễm nhiên lột xác thành những sản phẩm cao cấp dùng cho con người. Hợp chất Momilactones A và B chiết xuất từ vỏ trấu được bán với giá 125 USD/0,1mg. Rơm được chế biến thành ethanol, thành nhựa plastic sinh học dùng cho các loại bao bì thân thiện với môi trường…
Tại Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây cũng có một vài thí dụ điển hình thành công cho hướng đi này như collagen từ da cá của công ty Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), dầu ăn từ mỡ cá của Công ty cổ phần dầu cá châu Á (An Giang), dầu trích ly từ cám gạo của Wilmar Ago (Cần Thơ), nấm rơm sạch từ rơm organic Cỏ May (Đồng Tháp)… Nhiều mô hình khởi nghiệp theo hướng này cũng đạt được những kết quả bước đầu khá khả quan, điển hình như các sản phẩm mỹ thuật làm bằng hoa-lá-gương sen sấy khô, tinh chất xanh trong lá sen, lụa từ sợi tơ sen… tại Đồng Tháp.
Tuy nhiên, ngành chế biến phụ phẩm đòi hỏi phải có công nghệ hiện đại và đầu tư nhiều cho nghiên cứu phát triển. Hiện nay công nghệ “nâng cấp” phụ phẩm của Việt Nam vẫn đang chủ yếu tập trung vào việc sấy khô và trích ly tinh chất thô với hàm lượng khoa học thấp, nhằm phục vụ cho các loại thực phẩm chức năng đơn giản hay làm nguyên liệu thô cho sản xuất mỹ phẩm nên giá trị gia tăng chưa thật sự cao. Các sản phẩm tạo ra hầu như nhòm ngó và sao chép lại từ các nước đi trước. Chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam bào chế ra được các tinh chất quý dùng trong thực phẩm chức năng hay dược phẩm như: momilactones từ vỏ trấu; bột canxi nano; acid amin, vitamin và enzyme từ rau củ quả… Do đó, khi đã xác định mục đích sản xuất sản phẩm từ phụ phẩm, về lâu dài doanh nghiệp cần phải dám đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển để độc quyền những công nghệ riêng của mình, đồng thời sẵn sàng vươn ra tầm quốc tế, dẫn dắt nhu cầu thị trường, thông qua các công bố các kết quả khoa học mới.
Tiếp theo sau vấn đề công nghệ là việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Có một đặc điểm thú vị là các sản phẩm đi ra từ phụ phẩm hầu như được nâng cao “địa vị xã hội”. Da cá tra trở thành mỹ phẩm/thực phẩm dưỡng da, váng sữa thừa trở thành bột protein tinh khiết (whey islolate, casein), vải tơ sen trở thành những sưu tập thời trang đẳng cấp. Bản thân các sản phẩm đi ra từ phụ phẩm đều là kết tinh của công nghệ cao nên mang sẵn trong nó ý nghĩa của sự “tinh túy”, “tinh hoa”, “vị cứu tinh của môi trường”… người tiêu dùng sẽ dễ dàng liên tưởng đến các lợi ích cảm xúc và biểu tượng tích cực của một thương hiệu. Tuy nhiên, hầu như các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được các giá trị này do chưa có những kỹ thuật xây dựng hình ảnh thương hiệu phù hợp. Một số sản phẩm liên quan đến thực phẩm chức năng và mỹ phẩm thậm chí còn bị định vị quá bình dân nên không những không tạo ra được giá trị cao mà ngược lại chưa nhận được sự đón nhận. Điều này cho thấy, bản chất của sản phẩm phụ phẩm đã vượt ra khuôn khổ ngành tạo ra nó nhưng doanh nghiệp sản xuất chưa kịp thích ứng và có chiến lược kinh doanh phù hợp. Tôm cá là thủy sản nhưng collagen là thực phẩm chức năng, vitamin là dược phẩm. Phụ phẩm đã trở thành chính phẩm nhưng doanh nghiệp vẫn còn xem nó như phụ phẩm. Do đó, đem kinh nghiệm và phong cách kinh doanh phụ phẩm sang kinh doanh mỹ phẩm và dược phẩm thì kết quả thất bại sẽ dễ đoán trước.
Có thể nói để thành công trong quá trình biến phụ phẩm thành chính phẩm đòi hỏi một sự thay đổi về căn cơ trong tư duy kinh doanh: Từ việc xem phụ phẩm là gánh nặng buộc phải xử lý để giảm bớt tác động ra môi trường, gỡ gạt phần nào chi phí sang chủ động biến rác thành tiền với mục tiêu chính là “sản xuất ra phụ phẩm”, trên cơ sở đó từ đó có sự đầu tư đúng mức cho công nghệ, nghiên cứu khoa học và áp dụng chiến lược marketing phù hợp với thị trường mục tiêu. Đưa chim sẻ trở thành phượng hoàng không chỉ đơn giản phủ lên chim sẻ một bộ lông sặc sỡ mà phải thật sự thay đổi cả phần xác (giá trị sử dụng) và phần hồn (hình ảnh thương hiệu).
Đồng Bằng sông Cửu Long là một khu vực dồi dào nguồn phụ phẩm nông nghiệp, hàng năm lượng phụ phẩm chiếm đến 15-20% giá trị chính phẩm. Thị trường sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp còn nhiều tiềm năng phát triển. Chính quyền và doanh nghiệp các địa phương cần xem xét việc phát triển sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp như là một ngành mũi nhọn mới. Việc chủ động biến phụ phẩm thành chính phẩm tuy không hề dễ dàng nhưng sẽ là một hướng phát triển nông nghiệp bền vững, chủ động giúp nhiều cây/con tại Đồng Bằng sông Cửu Long phát huy tối đa giá trị trong tương lai.
Lương Hà (từ Paris)