Thung lũng sông Loire (tiếng Pháp: Val de Loire) là phần lưu vực của con sông Loire dài nhất nước Pháp (1.013km) chảy qua 4 tỉnh miền trung: Loiret, Loir-et-Cher, Indre-et-Loire và Maine-et-Loire. Tại thung lũng này, sông Loire lại phân ra nhiều chi lưu nhỏ làm nên các con sông Cher, Indre, Veude, Vienne, Mable… len lỏi cung cấp nguồn nước ngọt và phù sa làm nên sự màu mỡ và trù phú cho cả vùng. Nhờ vậy thung lũng sông Loire từ xa xưa đã nổi tiếng thế giới với nghề trồng nho và các lò rượu vang trứ danh.
Vào thời Trung Cổ đến thế kỉ 15, trung tâm quyền lực của nước Pháp nằm ở đây nên thung lũng sông Loire có rất nhiều thành phố, thị trấn lịch sử như: Orléans, Blois, Amboise, Tours, Chinon, Saumur, Angers…nơi ngày nay còn đang lưu giữ 42 lâu đài tráng lệ cùng các công trình kiến trúc có giá trị. Năm 2000 quần thể thiên nhiên, văn hóa và kiến trúc dọc dòng sông đoạn từ Sully-sur-Loire đến Chalonnes-sur-Loire đã được công nhận là Di sản thế giới của UNESCO.
Tuy vậy, không phải những thị trấn và phố cổ nằm ngoài khu vực được công nhận di sản thì thua chị kém em về “nhan sắc’ và ‘văn hóa”, Champingy-Sur-Veude là một trường hợp như thế. Cách Paris 285km, sát kề trị trấn du lịch Chinon danh tiếng, ẩn mình giữa lòng thung lũng màu mỡ của hai con sông Mable và Veude, Champigny-sur-Veude là một ngôi làng cổ được nhắc trong sử sách từ năm 1080 dưới cái tên Campiniacus.
Tôi biết đến Champigny-sur-Veude qua lời giới thiệu của một người bạn Pháp cùng tham gia lớp “Quản lý du lịch tại các di sản UNESCO” tại Đại học Paris 1 và may mắn được đặt chân đến ngôi làng thơ mộng này vào đúng dịp Champigny-sur-Veude tổ chức “Ngày hội hoa Diên Vĩ và di sản” lần đầu tiên.
Trước khi vào tham gia lễ hội, tôi dậy thật sớm, một mình rảo bước quanh những di tích lịch sử danh tiếng của Champigny-sur-Veude như: quảng trường Chapeau Rouge, nhà thờ Saint Louis có cửa sổ kính màu được coi là một trong những lời chứng thực đẹp nhất của nghệ thuật kính màu vào thế kỷ 16….tất cả đều có tuổi đời trên 500 năm. Một Paris ồn ào và náo nhiệt đã được thay bằng khung cảnh thư giãn diệu kỳ với không khí trong lành, những khu vườn ngập đầy hoa và rộn rã tiếng chim.
Đúng 10h sáng, không khí bắt đầu náo nhiệt hẳn lên khi những cư dân tham gia diễu hành tập hợp đông đủ tại công viên trung tâm, nơi có hàng ngàn bông hoa Diên Vĩ đủ màu đang đua nhau tỏa sắc dưới ánh nắng chói chang mùa hè. Họ trông thật rạng rỡ như những bông hoa kia và vô cùng quý phái khi khoác trên người các bộ phục trang quý tộc cầu kỳ của thế kỷ 14-18. Trong tiếng kèn trống réo rắc, vị vua và hoàng hậu dẫn đầu đoàn tùy tùng chân bước đều theo nhịp điệu valse, hân hoan vẫy tay chào du khách hai bên đường và những “thần dân” nhô người ra ngoài cửa sổ reo mừng. Đoàn người cứ thế thướt tha lướt qua những các con đường quanh co, ngang qua những di sản nổi bật là những khu vườn, ngôi nhà, giếng nước…mà tổ tiên bao đời của họ chung tay gìn giữ. Quả là một lối hướng dẫn du lịch thật lịch lãm!
Hoa Diên Vĩ vốn là biểu tượng của hoàng gia và sự che chở thiêng liêng. Thế nên nó được chọn làm biểu tượng của nước Pháp từ thế kỷ 13. Hoàng gia Pháp trang trí hoa Diên Vĩ trên áo choàng, các đồ vật trong cung điện và trên những bức tường như biểu hiện của sự toàn bích, ánh sáng và cuộc sống. Hoa là đề tài yêu thích của đại danh họa Van Gogh. Hoa cũng được chọn là biểu trưng của chính ngôi làng Champigny-sur-Veude này. Có lẽ vì thế mà trên mỗi gương mặt đoàn diễu hành và người dân, ai ai cũng ánh lên một niềm tự hào khó tả khi quê hương mình lần đầu tiên tổ chức một sự kiện văn hóa tôn vinh loài hoa vương giả ấy.
Theo lời vị trưởng làng Alain Gaspard, “Ngày hội hoa Diên Vĩ và di sản” sẽ định kỳ diễn ra vào ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 5 để đưa Champigny-sur-Veude tham gia vào danh sách những khu vườn nổi bậc của khu vực miền Trung nhằm thu hút du khách và người yêu hoa đến với làng. Ông trích dẫn một câu nói của triết gia người Anh, Ralph Waldo Emerson, để thể hiện tinh thần hiếu khách của mình: “Vật điểm trang cho ngôi nhà chính là những người bạn tốt thường xuyên đến thăm nó” (L’ornement d’une maison, ce sont les amis qui la fréquentent).
Bà Dominique Gaspard, phu nhân trưởng làng đồng thời là hội trưởng “Hội yêu hoa Diên Vĩ và hoa Phong Linh” (Assiociation Iris et Campanule), trưởng ban tổ chức lễ hội chia sẻ thêm bằng tiếng Anh lưu loát: “Công tác tổ chức lễ hội đã được chuẩn bị gần 4 năm. Lễ hội thật ra không tốn kém lắm, nói ra chắc ai cũng sẽ bất ngờ vì chỉ khoảng 1.500euro lấy ra từ phí hội viên. Tuy nhiên, phần đáng nói là công sức và sự nhiệt tình tham gia của người dân. Những bộ trang phục truyền thống diễu hành rất đắt tiền và công phu đều do chính họ bỏ tiền túi ra thực hiện. Có những bộ nặng đến 15kg, mất hàng tháng trời thực hiện. Nếu không có lòng tự hào quê hương và mong muốn gìn giữ truyền thống thì chúng tôi không thể nào tổ chức thành công được ngày hội hôm nay”.
Trong khuôn khổ ngày hội còn có các hoạt động tái hiện lễ Báp-tem hoàng gia, hội thảo hướng dẫn nhân giống hoa, hội chợ hàng thủ công truyền thống…tất cả đều vô cùng chỉn chu, chuyên nghiệp.
Thật bất ngờ, tôi làm quen với một người phụ nữ gốc Á trong đoàn diễu hành. Hỏi ra mới biết chị tên Janne Ronfaut là thành viên ban tổ chức cũng là một người Pháp gốc Việt. Chị hồ hởi tâm sự:”Champigny-sur-Veude là ngôi làng có chưa đến 1000 dân nhưng hôm nay du khách đến đây gấp nhiều lần số dân. Chúng tôi đã thành công. Chúng tôi làm tất cả vì lòng tự hào nơi mình sinh sống và muốn bảo tồn những truyền thống tốt đẹp cho những thế hệ sau. Chúng tôi cảm thấy như mình chính là những bông hoa Diên Vĩ kia, tuy mỏng manh nhưng đại diện cho lòng dũng cảm, trung thành và sự khôn ngoan. Ngoài ra, là một người Việt tôi cũng hy vọng áo dài sẽ được người Việt Nam trân trọng và giữ gìn như cách người Pháp họ đã làm với những di sản văn hóa của họ”
Nhìn những gì đang diễn ra ở ngôi làng cổ Champigny-sur-Veude này tôi chợt nhớ một nguyên tắc cốt lõi mà tôi được học trong khóa Quản lý du lịch tại các di sản UNESCO là “lấy cư dân vùng di sản làm trọng tâm”. Lâu nay chúng ta cứ nghĩ bảo tồn di sản là tốn kém, nhưng thật ra nó chỉ tốn kém khi không được người dân ủng hộ và không biết phát huy lòng tự hào của họ. Đến với Champigny-sur-Veude tôi đã được tham gia một lễ hội có kinh phí thấp nhất từ trước tới giờ nhưng gợi nhiều trăn trở nhất về công tác tổ chức lễ hội và bảo tồn di sản ở Việt Nam vốn nặng hình thức mà nhạt nhòa cảm xúc và tâm hồn.
Lương Hà (từ Paris)