Mấy ngày trước tôi có đọc một bài phỏng vấn của CafeF với Ông Thuận Phạm, Tổng giám đốc Công nghệ Uber toàn cầu, chia sẻ những kinh nghiệm của ông với những start-ups trẻ Việt Nam.
Qua bài viết tôi thật sự đồng cảm và xúc động với với câu nói của ông: “Đừng suy nghĩ quá nhiều về con đường nhưng hãy nhớ làm việc 16 tiếng một ngày”. Bởi lẽ cách nói “làm việc 16 tiếng một ngày” với tôi một người từng hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và dịch vụ nó mang nhiều ý nghĩa đặc biệt hơn: sự nỗ lực gấp đôi, áp lực gấp đôi, hao tổn trí lực gấp đôi, hy sinh tận tụy gấp đôi… chứ không đơn thuần là “tăng ca” thêm 8 tiếng. Tuy vậy, cái cảm giác xúc động đó của tôi chưa đi được trọn vẹn khi bên cạnh rất nhiều bình luận chia sẻ tích cực thì tôi cũng đồng thời nhìn thấy không ít bình luận “ném đá” rất cay cú: “Ham giàu thì chịu thôi”, “Lúc mấy ông nhà giàu ăn sang, cặp với chân dài thì có than không?”, “Thua Grab tới nơi mà còn ở chém gió!”…
Và cũng từ những bình luận đó cũng khiến tôi giật mình suy nghĩ một vấn đề đang tồn tại trong xã hội Việt Nam mà chúng ta không thể không bàn luận tới: Người giàu có đáng ghét không?
Thật ra, không chỉ ở Việt Nam mà người giàu trên khắp nơi đều bị ghét, đặc biệt là ở các nước châu Âu. Martin Varsavsky, một doanh nhân khởi nghiệp công nghệ rất thành công người Argentina gốc Tây Ban Nha (sáng lập của Prelude Fertility, Jazztel, Ya.com, Fon…) cũng có một bài mổ sẻ trên Huffingtonpost.com về vấn đề này.
Theo ông ở châu Âu người ta ghét người giàu vì khái niệm “bình đẳng” được đánh giá cao, không những đòi hỏi bình đẳng về cơ hội như ở Mỹ mà còn phải bình đẳng trong thành quả. Tuy nhiên, vấn đề sâu xa hơn đó là nguồn gốc của sự giàu có. Ở Châu Âu những gia đình giàu có cứ đời này truyền qua đời khác và sự giàu có cứ mỗi ngày lại càng giàu thêm. Nhiều người chưa bao giờ trải qua những khó khăn mà một người bình dân gặp phải. Do đó họ sống tách biệt và cư xử vô cảm với người nghèo.
Ngược lại với những người giàu ở Mỹ, Martin Varsavsky cho rằng đa số lại từ “tay trắng làm nên” và “tự lập” nên họ rất nhạy cảm trước các vấn đề của những thành phần còn lại trong xã hội gặp phải. Bởi lẽ, nhiều người trong số họ mới chỉ vài năm trước đây thôi vẫn còn là những kẻ sa cơ, thất thiểu. Hơn nữa, do luôn luôn đối mặt với rủi ro trong kinh doanh, họ cũng ý thức được mình cũng có thể trở lại thành những người nghèo nếu tình hình làm ăn đi xuống. Với tư duy và sự thấu cảm ấy, Warren Buffet, Bill Gates, Mark Zuckerberg…những tỷ phú hàng đầu thế giới của Mỹ đều có những cam kết cho các dự án từ thiện, xã hội như một phần trong sự thành công của họ. Trong khi đó, khó có thể liệt kê những cái tên nhà giàu làm những dự án tương tự đến từ châu Âu.
Quay lại với xã hội Việt Nam, tại sao nhà giàu thường bị ghét?
Nguyên nhân trước tiên có lẽ là từ lối sống của một nhóm người giàu trong xã hội từng toàn những người nghèo: nhiều người giàu ở ta cố tình phô bày sự giàu có, xa hoa của mình bằng những kiểu ăn chơi sa đọa, kệch cỡm kiểu như Vũ Trọng Phụng từng phê phán trong tác phẩm “Số Đỏ”. Những thói xấu ấy vẫn tiếp tục di truyền vào tận xã hội hiện đại ngày nay. Do vậy, hình ảnh những đại gia ăn xài hàng hiệu, ném tiền qua cửa sổ, cặp kè với chân dài được xem như là một mặc định của những người giàu có trong xã hội hiện đại.
Một nhóm người giàu khác bị ghét là do phất lên nhờ những mối quan hệ với những nhóm lợi ích, những kẻ này móc ngoặc với tham nhũng để làm giàu trên tiền thuế của nhân dân. Trong đó có nhiều người là cán bộ, quan chức nhà nước cao cấp. Những đối tượng này không những góp phần làm cho nhà giàu bị ghét mà cả những cán bộ nhà nước liêm chính cũng bị ghét lây.
Về phía người nghèo, thái độ ghét người giàu xuất phát rõ nét nhất là từ lòng đố kỵ. Rõ ràng khi chúng ta nghèo, nhìn thấy người khác thành công thì ai cũng nảy sinh lòng ganh tị. Với những người tích cực, lòng ganh tỵ đó biến thành động lực phấn đấu. Với những kẻ lười nhác và thiếu chí tiến tủ, họ luôn giải thích sự nghèo khó của mình bằng những lý do “bị chèn ép, cơ hội không công bằng…” thì lòng ganh tỵ kia sẽ biến thành những lời lẽ cay độc, sẵn sàng ném đá bất cứ những ai giàu có hơn mình.
Từ yếu tố lịch sử, quá trình cải tạo XHCN ở Việt Nam đã để lại một vết hằn quá lớn về ý niệm “bóc lột người lao động”, “chèn ép người nghèo” của “giai cấp tư sản”, “địa chủ” và “bọn thương lái”. Do vậy, tương tự như ý niệm lệch lạc về ứng xử trong giao thông, hễ xe lớn va chạm xe nhỏ thì mặc nhiên lỗi của xe lớn. Mỗi khi người nông dân không bán được nông sản là xã hội và truyền thông thay nhau lên án doanh nghiệp và thương lái “ép giá” mà không biết rằng cũng chính những “con người khốn khổ” kia gây ra biết bao nhiêu khó khăn cho “bọn con buôn” qua những hành vi gian lận hoặc xé rào hợp đồng.
Có lẽ còn nhiều lý do khác để người giàu bị ghét chưa thể liệt kê ra đầy đủ ra trên đây, tuy nhiên cũng theo cách mổ sẻ của Martin Varsavsky về nguồn gốc của sự giàu có, tôi cũng muốn liên tưởng tới hai đối tượng người giàu có ở Việt Nam hiện nay để chúng ta có một thái độ đúng mực hơn với người giàu.
Nhìn vào bảng top những người giàu có trên thị trường chứng khoán của ta và thế giới, chúng ta cũng dễ nhận ra sự khác biệt về cơ cấu người giàu của nước ta với thế giới. Nếu như top 10 tỷ phú thế giới là những nhân vật nổi tiếng tiên phong các ngành Công nghệ, phân phối và công nghiệp thì ở ta đa số đến từ Bất Động Sản và Tài Chính. Gần đây nhất thì người ta còn phát hiện giàu là nhờ tháo tem “Made in China” gắn vào “Made in Vietnam”.
Có thể so sánh (tuy hơi khập khiễng), nếu như người giàu thế giới là những người đang góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghệ và giải quyết các vấn đề xã hội thì ở ta sự giàu có ở nước ta đi kèm với những vụ kiện tụng đất đai dính đến các đại gia bất động sản, những thủ đoạn thao túng thị trường tài chính và những hành vi gian lận thương mại: Thêm một lý do chính đáng nữa để bị ghét chăng?
Thế nhưng nếu vì một vài thành phần “nhà giàu” đáng ghét kia mà xã hội đánh đồng với những doanh nhân chân chính, những thành phần khởi nghiệp đang ngày ngày làm việc đến 16 tiếng như Ông Thuận Phạm sẽ khiến đất nước ta ngày càng tụt hậu. Có một lớp những người giàu mới tại Việt Nam đang là những doanh nhân, những trí thức có trách nhiệm biết tìm ra những vấn đề xã hội để từ đó đưa ra những sản phẩm, những giải pháp giải quyết những vấn đề đó. Sự giàu có của họ do đó luôn gắn liền đến sự tiến bộ và nâng cao chất lượng sống con người. Đơn cử như, trong khi nhiều “nông dân nghèo” đang sử dụng thuốc trừ sâu vô tội vạ, những người “chăn nuôi nghèo” lạm dụng thuốc tăng trọng, những “quán cà phê nghèo” tẩm hóa chất vào cà phê…thì có nhiều “người giàu” phải đứng ra giải quyết những vấn đề ấy bằng chuỗi cửa hàng rau sạch, những sản phẩm nông nghiệp tử tế… và cũng chính những “người giàu” đang dang tay nghĩa hiệp “giải cứu” dưa hấu, lợn và nhiều thứ nữa trong tương lai. Họ vừa là chủ doanh nghiệp nhưng cũng vừa là những con người ham làm giàu bằng chính trí tuệ, lòng đam mê và sức lao động của chính họ.
Năm 2004, hai học giả người Mỹ là Stephen L. Vargo & Robert F. Lusch đã kết luận: “Bản chất mọi giao dịch trao đổi trên thị trường hiện nay không còn là trao đổi của hàng hóa hữu hình mà là trao đổi Dịch vụ”. Dịch vụ ở đây được hiểu đó là quá trình nguồn lực mềm (kỹ năng, kiến thức, công nghệ) “nhào nặn” nguồn lực cứng (đất đai, tài chính, nguồn khoáng sản…) để tạo ra giá trị mới. Đó là một tư duy mới về nguồn gốc của sự giàu có mà xã hội chúng ta cần hướng tới.
Do vậy, để Việt Nam có sự thay đổi, từ cả hai phía người giàu và người nghèo, chúng ta cần thay đổi cả tư duy làm giàu và thái độ đối với người giàu. Bởi lẽ có thực tế cho thấy rằng “Không có quốc nào trở nên thịnh vượng bằng cách đem người giàu ra đấu tố cả!”
Lương Hà