Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cá nhân số
Ngày trước khi công nghệ còn chưa phát triển, để giới thiệu bản thân người ta phải dùng tới tài liệu “bản cứng” khó lan tỏa, bao gồm sơ yếu lí lịch, danh thiếp, thư tự giới thiệu, huy chương, bằng cấp…Trong thời đại công nghệ số, mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn khi những nội dung “bản mềm” dưới dạng tập tin, video clip, dòng chia sẻ trên mạng xã hội…nói lên được “chất lượng” của bạn được dễ ràng truyền tải ra khắp thế giới. Thói quen tìm kiếm luôn thông tin về một ai đó giờ đây cũng luôn được bắt đầu từ Google. Do vậy, ngày nay cũng có thể nói ấn tượng và thương hiệu cá nhân của bạn (tích cực, mờ nhạt, xấu xa…) sẽ được hình thành từ những kết quả mà người ta tìm kiếm được trên Google.
Thế nên, trước khi các phương tiện truyền thông báo chí để mắt, chúng ta cần chủ động tận dụng sức mạnh của Google trong việc xây dựng thương hiệu. Quá trình đó sẽ được thực hiện theo công thức dưới đây:
Ở phần trước chúng ta đã nói về cách tạo lập tuyên ngôn giá trị, nhưng để tận dụng sức mạnh của GOOGLE tiếp theo đây chúng ta phải tạo dựng một bộ nhận diện thương hiệu cá nhân số minh họa cho tuyên ngôn đó bao gồm:
- Một bộ ảnh chân dung đẹp, chuyên nghiệp, thể hiện ở nhiều khoảnh khắc của đời sống.
- Một bản lí lịch số khái quát được thông tin cá nhân, đặc trưng chuyên môn, ngành nghề kinh doanh, tầm nhìn và hoài bão. Bản lí lịch nên thiết kế đẹp và đồng bộ với danh thiếp và hệ thống nhận diện doanh nghiệp.
- Một website/blog cá nhân (tốt nhất là có tên miền riêng, ví dụ luonghaparis.com)
- Những “nội dung số” thể hiện được giá trị cá nhân như: bài bình luận, hình ảnh hoạt động chuyên môn, video clip, ebook, slides bài giảng…
- Những bài báo, video phỏng vấn… được bên thứ 3 (báo chí, các hiệp hội ngành nghề) thực hiện.
Khi đã chuẩn bị xong bộ nhận diện thương hiệu cá nhân như trên, chúng ta tiếp tục linh hoạt và khéo léo sử dụng chúng tạo dựng nên một “câu chuyện độc đáo” cho mình (chiến lược thương hiệu cá nhân) và truyền tải chúng trên các nền tảng mạng xã hội. Sau đây tôi xin gợi ý và đưa ra lời khuyên về một số nền tảng phổ biến tại Việt Nam để giúp chúng ta xây dựng và sử dụng “bộ nhận diện thương hiệu cá nhân số” sao cho hiệu quả nhất:
Blog/Website cá nhân (WordPress, Blogger, Tumblr): Đây là nơi chúng ta chuẩn bị những nội dung mang tính quan điểm và chuyên môn thông qua các bài viết có chất lượng ở tầm chuyên gia. Trên đó chúng ta có thể tập hợp những bài viết, phỏng vấn của bên thứ 3 nói về mình, tạo nên sự khách quan. Lưu ý, các nội dung bài viết không nên quá dàn trải mà tập vào các chủ đề mà chúng ta có thế mạnh thể hiện được “giá trị chuyên môn” đã đề cập ở phần trên. Có thể hình dung đây như là một phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) của cá nhân.
Youtube: Là kho chứa đựng những nội dung hay, bổ ích dưới dạng dạng video clip hoặc những bài nói chuyện của chính bạn nếu bạn có khả năng làm được điều ấy. Tương tự với Blog/website cá nhân, đây cũng là một kho tư liệu thể hiện những vấn đề bạn quan tâm và muốn chia sẻ cho cộng đồng. Hiện nay nhiều người trở nên nổi tiếng nhờ tận dung kênh Youtube để làm các bài giảng, giáo dục cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng…nếu chất lượng nội dung hấp dẫn, thu hút được nhiều người xem thì không những có thể xây dựng thương hiệu cá nhân mà còn tạo ra được thu nhập.
Linkedin: LinkedIn là một mạng xã hội và người sử dụng chủ yếu là những thành viên chuyên nghiệp. Khác với các mạng xã hội khác, LinkedIn chỉ tập trung vào đối tượng là các doanh nghiệp hoặc các cá nhân chuyên nghiệp có nhu cầu kết nối tìm việc, tuyển dụng và tìm kiếm cơ hội. Hai điểm quan trọng nhất trong Linkedin mà người dùng hay tập trung chú ý là năng lực và mạng lưới quan hệ của bạn. Nếu như Facebook là nơi trình diễn đời sống thực với nhiều mặt thì Linkedin giống như môt văn phòng làm việc bạn nên tập trung chia sẻ những hoạt động, sự kiện và bài viết gắn liền với công việc mình làm.
Slideshare: SlideShare là mạng chia sẻ lớn nhất đến cộng đồng thế giới về các dạng được trình chiếu bằng Slide. Bạn có thể upload các bài thuyết trình, tài liệu và video, chia sẻ đến hàng triệu người xem các chia sẻ của bạn. Chia sẻ những riêng tư cá nhân đến đồng nghiệp, khách hàng và mạng kết nối đa tầng. Ngoài ra bạn cũng có thể xem và tải các tài liệu mà mọi người chia sẻ. Slideshare còn được một tích hợp với LinkedIn nên cũng mang đặc trưng mang tính chuyên môn cao. Trên slideshare chúng ta nên dùng thể hiện những kiến thức mà chúng ta đã tiếp thu được.
Facebook: Facebook ngày nay được ngầm hiểu là nền tảng ảo nhưng trình diễn đời sống thật của mỗi cá nhân, với những mối tương tác rất “thật” nhất về chúng ta. Tùy cá tính và mục tiêu mỗi người mà Facebook cá nhân sẽ có cá tính riêng nhưng đừng để nội dung quá sáo rỗng hoặc mang tính khoe mẽ. Những cú share hoặc like nên có chọn lọc vì những gì ta chia sẻ như đã nói ở trên sẽ gián tiếp nói về chúng ta. Tốt nhất là chia sẻ nội dung từ những từ website cá nhân, website công ty, kênh youtube, Linkedin hoặc Slideshare của chính mình để đảm bảo tính nhất quán. Đặc biệt, cần lưu ý đừng biến Facebook cá nhân thành những trang bán hàng gây phản cảm. Thay vào đó bạn có thể sử dụng một Fanpage riêng để phục vụ những mục đích thương mại hoặc “quảng cáo” về bản thân.
Trên đây là những nền tảng cơ bản để giúp hình ảnh thương hiệu cá nhân của bạn xuất hiện trên hệ sinh thái số. Sẽ thật lý tưởng và đạt hiệu quả cao nhất nếu chúng ta có thể áp dụng cùng lúc các công cụ đó một cách tổng lực, nhất quán và bền bỉ. Trên kho dữ liệu tìm kiếm GOOGLE nếu chúng ta có nguồn kinh phí thì có thể tiếp tục triển khai tối ưu hóa tìm kiếm (SEO) giúp cho bạn luôn xuất hiện trên danh top của những từ khóa tìm kiếm thông dụng có liên quan. Hiệu quả của bộ nhận diện thương hiệu cá nhân số này sẽ gia tăng thêm gấp bội.
Ngày nay, các nghiên cứu đã nhận thấy rằng thương hiệu cá nhân, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và cả thương hiệu quốc gia cùng có sự ảnh hưởng tương tác qua lại, cái này làm nên cái kia. Và đó cũng là lý do việc xây dựng thương hiệu cá nhân của các doanh nhân không chỉ quan trọng cho cá nhân họ mà nó còn đồng thời tác động lên hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp và tạo nên sự tin tưởng cho sản phẩm dịch vụ mà doanh nhân đó cung cấp, xa hơn là uy tín của quốc gia. Sức mạnh và thành quả của cuộc cách mạng 4.0 đang giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu mà không gặp bất cứ giới hạn không gian nào. Do đó, ngay từ lúc này, doanh nhân chúng ta cần mạnh dạng từ bỏ ý định “không sa chân” vào mạng xã hội hoặc e dè công nghệ, mà thay vào đó cần am hiểu các nguyên tắc của thương hiệu cá nhân xây dựng nền tảng thành công vững chắc cho chính mình và doanh nghiệp mình đang dẫn dắt trong tiến trình hội nhập sắp tới.
Lương Hà