Bài viết này có thể sẽ gây ra cảm giác lên mặt dạy đời với một vài ai đó nhưng những gì tôi viết ở đây cũng là viết về kinh nghiệm mình đã trải qua. Do đó, nếu có bêu xấu là tôi tự bêu xấu mình trước vậy.

Hồi nhỏ khi học về giải phương trình bậc 2, thầy cô hay bảo phải tìm “Delta” = b^2 – 4ac. Xin hỏi thật lại các anh chị đang là giảng viên đại học, đặc biệt trong các lĩnh vực có liên quan đến định lượng, có ai biết “Delta” nó từ đâu ra? Tương tự như thế, ở bậc học càng cao hơn,  càng phức tạp hơn thì tính “thỏa hiệp” đó lại càng thể hiện rõ nét hơn. Nhiều thầy cô khi làm thống kê toán cũng chỉ biết đọc bảng chạy kết quả hồi quy với các hệ số sig., R^2, Cronbach’s anpha…chứ khi học trò hỏi các kết quả đó nó từ đâu ra, được tính như thế nào thì mù tịt.

20161005110812-giangduongthongminh

Tuy nhiên hai ví dụ trên thuộc về toán nên mọi người sẽ bảo những kết quả toán thì mình chấp nhận thôi nghiên cứu chi nhiều! Chỉ cần ứng dụng thôi!

Thế thì tương tự, như trong lĩnh vực quản trị, các câu hỏi như 4P trong marketing mix từ đâu ra? tháp nhu cầu Maslow hoặc 5 nhóm cá tính Big Five được tìm ra bằng cách nào?

Các thầy cô có bao giờ tự tìm đọc nguồn gốc các lý thuyết? xem chúng còn hạn chế gì không hay cả thầy và trò đều cùng lao vào gặm nhắm những quyển “Textbook” (thường là của nước ngoài) dày cộm và xem chúng như những quyển thánh kinh viết gì cũng đúng.

Thật ra, việc tôi đặt ra những câu hỏi trên không nhằm công kích cá nhân bất cứ ai mà muốn cho thấy trong thời đại ngày nay, khi mọi thứ học trò có thể tự tìm đọc trên mạng, những thắc mắc của sinh rất dễ dàng tìm ra những lời giải đáp. Thậm chí nhiều sinh viên có kiến thức còn cập nhật hơn cả thầy cô. Thế thì nhiệm vụ của chúng ta là gì nếu không nắm vững kiến thức nền để đóng vai trò là mỏ neo, làm la bàn định hướng kiến thức cho các em? Sứ mệnh của chúng ta theo đó phải là khơi dậy tư duy của sinh viên ở hai hướng: vận dụng kiến thức nền (hướng thực tiễn) hoặc cải thiện kiến thức nền (hướng nghiên cứu).

to-all-the-people-posting-afraid-to-ask-andy-memes-142928

Đặc biệt trong thực tiễn giảng dạy môn Marketing ở các trường đại học Việt Nam, các giảng viên chỉ dừng lại ở mức công nhận và triển khai lý thuyết, chúng ta chưa được đi sâu vào các lý luận nền tảng, do đó người học không có khả năng phản biện và phát triển các khái niệm mới trong bối cảnh kinh tế thế giới luôn thay đổi không ngừng.

Quả thật, trong thời đại ngày nay, làm thầy tưởng chừng như dễ (vì thị trường đang thiếu hụt giảng viên) nhưng không hề dễ chút nào (dạy gì mà Google không có). Nhiều người đứng trên bục giảng có thể truyền cảm hứng dào dạt nhưng không đủ kiến thức nền thì hóa ra đang truyền cho sinh viên sự nhiệt tình + thiếu hiểu biết. Kết quả ra cái gì thì mọi người cũng biết rồi!

Do vậy nếu những ai đã mang trên người “danh hiệu” giảng viên đại học thì cho dù không học cao lên tiến sĩ hay hậu tiến sĩ thì ít nhất cũng cần bồi đắp lại “nền móng” cho mình trước khi bước lên bục giảng. Theo thiển ý của tôi , đọc những quyển giáo trình thôi chưa đủ, những thứ mà những người làm thầy cô chúng ta cần phải bồi đắp là:

  • Triết học: môn học theo tôi là quan trọng nhất nhưng với đại đa số là khô khan nhất. Một phần do ở Việt Nam, cách dạy nhồi nhét một chiều trường phái triết học Mác Lê mà triết học mất đi “tinh thần khoa học” và vẻ đẹp vốn có của nó. Sự thiếu hụt nền tảng triết học này thể hiện rõ nét ở cá nhân tôi khi bước vào đọc các bài nghiên cứu xã hội học (vốn là nền tảng của khoa học quản trị và kinh tế). Thông thường cái gọi là “khoa học” phải được đặt trên một quan điểm, một chỗ đứng trong triết học. Những phạm trù cái chung, cái riêng, chủ quan, khách quan, mối quan hệ chủ thể-khách thể, khả năng nhận thức hiện tượng…lại là mở đề trong mọi phương pháp nghiên cứu.

phil-word-3

  • Tư duy nghiên cứu khoa học: với thầy cô, chúng ta hãy thoát tư duy là người tài liệu trước rồi giảng lại cho sinh viên. Cách làm đó giống như con vẹt già dạy cho vẹt trẻ. Chúng ta cần được học hỏi những kiến thức ở tầm nghiêm cứu học thuật như: “khái niệm”, “học thuyết”, “giả thiết”…để từ đócó khả năng tư duy và giải mọi hiện tượng bằng cái nhìn có “cấu trúc”. Khi ấy trong lúc đứng lớp ta có thể đào sâu mọi lý thuyết đi trước và đủ khả năng phản biện đúng sai. Đọc thêm Nghiên cứu khoa học trong quản trị
  • Đọc tạp chí nghiên cứu: tạp chí khoa học của ngành mình giảng dạy là cách hay nhất để cập nhật kiến thức nền tảng nhanh nhất. Không những thế, nó là phương pháp khôn ngoan để chúng ta truy nguồn của những lý thuyết mà chúng ta đang dạy như những “con vẹt” già trên lớp. Nếu ai có được tài khoản tạp chí quốc tế thì nên tranh thủ đọc chứ đừng đợi đến khi làm nghiên cứu. Kho Google Scholar hoặc sci-hub có thể giúp các thầy cô tìm kiếm các bài báo nghiên cứu.
  • Tham gia các mạng xã hội học thuật: Researchgate là mạng xã hội tập hợp gần như tất cả các học giả trên khắp thế giới. Mạng này chia sẻ những nghiên cứu đã-đang-sẽ triển khai, những trào lưu nghiên cứu về các vấn đề nổi trội. Ta có thể đề nghị tác giả chia sẻ bài hoặc giải đáp thắc mắc.
  • Tham gia hội nghiên cứu chuyên ngành: các hội này có mặt nhiều trên Linkedin, nội dung thảo luận những vấn đề mới của cả thực tiễn lẫn học thuật. Khi là thành viên của hội (nếu có đóng phí) thì chúng ta còn có dịp tham gia những Webinar và được chia sẻ những tài liệu thiết thực.

further_education_lecturer

Trên đây chỉ là một số nội dung chúng ta cần bổ túc để “nâng cao vị thế người thầy” trong mắt sinh viên thời công nghệ. Sẽ còn nhiều thứ khác cần phải bổ sung nữa khi ta quan tâm hơn về những vấn đề trên thì sẽ tự biết mình cần thêm gì. Nhất là khi bước chân vào cộng đồng học thuật thế giới,  chúng ta mới chợt phát hiện mình vô cùng nhỏ bé. Tuy vậy, tôi không mong mỏi các thầy cô Việt Nam lớn lên trong cộng đồng ấy mà thật sự lớn lên trong mắt những học trò của mình trước đã!

Lương Hà