Nếu từng say mê các bài viết của tác giả Tony Buổi Sáng thì ắt hẳn mỗi chúng ta đều thấy rõ tuổi trẻ còn phải học vô số thứ trên đời bên cạnh những kiến thức học được trên ghế nhà trường. Tác giả luôn khuyến khích giới trẻ dám bước chân ra khỏi vỏ ốc để tự trải nghiệm những vùng đất mới và rút ra cho riêng mình những kinh nghiệm sống.
Đi du học là một trong những cách tốt nhất để chúng ta có thể học hỏi được kiến thức từ giảng đường lẫn cuộc sống. Chúng ta sẽ có cơ hội tiếp thu nhiều tri thức mới của nhân loại, tăng cường khả năng ngoại ngữ và trưởng thành hơn nhờ môi trường sống tự lập và được vẫy vùng trong một thế giới rộng lớn. Dẫu biết rằng “Chơi không học đánh mất tương lai” thế nhưng sẽ là chưa đủ và vô cùng đáng tiếc nếu trong thời gian là du học sinh chúng ta vẫn chỉ là những “con mọt sách” như hồi ở trong nước. Hãy bước ra ngoài và phát huy câu “Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ” sao cho có ý nghĩa nhất nhé. Mình đã nghe rất nhiều các anh chị du học sinh đi trước hát “nếu có ước muốn trong cuộc đời hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại...” lắm đấy!
Du học sinh tại châu Âu, nhất là du học sinh tại Pháp dưới 26 tuổi luôn được chính phủ dành cho những điều kiện tốt nhất để học tập, vui chơi, rèn luyện và hun đúc tài năng. Riêng trong việc đi du lịch thôi đã có nhiều ưu đãi như miễn giảm vé đi lại, vé tham quan các điểm du lịch, bảo tàng… (thông thường là 30%-50% và rất nhiều nơi được miễn phí hoàn toàn) như là một cách ưu ái với các bạn trẻ trước khi bước ra đời bươn chải với cuộc sống. Với visa của một nước châu Âu các bạn đã có thể vi vu khắp 26 nước trong khối Schengen (Đức, Bỉ, Đan Mạch, Áo, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Estonia, Hungary, Iceland, Lettonia, Lituanie, Luxembourg, Malta, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan, Cộng Hòa Séc, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Slovakia, Slovenia) vậy thì còn e ngại gì mà không tận dụng ngay cơ hội này khi ta còn trẻ chứ!
Thế nhưng làm thế nào để có những chuyến đi chơi trở thành “hành trang cuộc đời” chứ không chỉ đơn giản đọng lại thành vài status “so deep” trên Facebook hay Instagram thì chúng ta cần chuẩn bị tâm thế của một người đi “xây dựng hành trang cuộc đời” và chắc chắn rằng bạn cũng sẽ trưởng thành qua quá trình “đi chơi” ấy.
Có kế hoạch từ sớm
Thời gian nghỉ lễ và lịch hoạt động hội hè ở các nước Tây Âu thường cố định và có thông tin thông báo từ rất sớm. Bởi vậy nếu muốn đi du lịch tiết kiệm thì chúng ta cần lên ý tưởng, tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ từ sớm. Càng về gần sự kiện, mọi thứ giá cả đều tăng vọt. Nếu lên kế hoạch từ sớm bạn có thể tiết kiệm đến tận 70% nếu vớ được những khuyến mãi hời. Ở tuổi chúng ta thường rất hay “ngẫu hứng lý qua cầu”, “thích thì nhích”, đi cách đó cũng có lý thú riêng nhưng thường rất đắt đỏ. Việc lập kế hoạch sớm giúp chúng ta chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi và giúp nhận diện rõ giá trị của thời gian là tiền bạc. Sau chuyến đi ta còn có quyền tự hào về số tiền mình tiết kiệm được nữa chứ!
Tìm bạn đồng hành
Nếu được đi cùng Gấu hoặc có đứa bạn tri kỷ nào đi cùng thì còn gì bằng. Thế nhưng trong trường hợp FA cũng đừng đi theo trào lưu “mình chỉ thích đi một mình” vì phải nhớ rằng ai sẽ chụp cho ta những tấm hình thật chất để up Facebook đây chứ?! Chưa kể chi phí thuê 1 phòng khách sạn, đi taxi, thuê xe, mua thêm hành lý máy bay…nếu chia ra cho 2 người cũng luôn có lợi nhất! Nhưng trên hết đó là có người chia sẻ cảm xúc, trò chuyện trên đường và chăm sóc lẫn nhau khi có chuyện bất trắc xảy ra. Tuy nhiên nếu không tìm ra được đồng đội từ trước chúng ta có thể tìm tại mỗi điểm đến. Các nhóm riêng trên mạng xã hội hoặc ứng dụng di động như Couchsurfing đều có nhiều đối tượng tìm kiếm bạn đồng hành. Tiếp xúc với bạn đồng hành xa lạ cũng là để chúng ta học tập cách hòa nhập nhanh với môi trường sống và làm việc mới. Bạn đồng hành trong tương lai biết đâu còn là những đối tác làm ăn.
Tìm hiểu thông tin nơi đến
Cái dở nhất của người Việt Nam mà nhất là nhiều bạn trẻ chúng ta mắc phải là trước khi đi đến một điểm nào đấy, chúng ta rất ít quan tâm thông tin về nơi mình đến như: lịch sử, văn hóa, đặc sản địa phương… Điều này làm cho mức độ yêu thích địa phương nào đấy chưa bao giờ trọn vẹn cả vì người ta thường nói có hiểu mới thương, đằng này mình có hiểu gì đâu mà thương được chứ. Trong khi đó, các bạn phương Tây luôn mang theo một quyển Guide dày cộm, các bạn ấy ngắm nghía từng cục gạch di tích, chiêm ngưỡng từng bức tranh…bằng con mắt đắm đuối đến phát hờn! Tìm hiểu kỹ thông tin cũng sẽ giúp cho chương trình tham quan được logic và chất lượng hơn.
Dành nhiều thời gian cho một điểm đến
Tuổi trẻ chúng ta thường “tăng động” nên thường thích được “checked-in” ở nhiều nơi hơn là dành thời gian khám phá một điểm. Bạn hãy thử làm ngược lại, dành nhiều thời gian để cảm nhận những công trình kiến trúc, những thắng cảnh đẹp bằng cả mọi giác quan. Đi du lịch không chỉ là ngắm cảnh thôi mà nên khám phá môi trường văn hóa, thưởng thức đặc sản địa phương và giao tiếp với người bản xứ. Tùy theo ngành nghề học tập và sở thích của mình mà chúng ta chú tâm nhiều đến lĩnh vực mình quan tâm ở nơi đến. Các bạn học kiến trúc và xây dựng thì có thể chụp ảnh kỹ hơn về các cây cầu, kiến trúc. Các bạn học về hội họa thì có thời gian vẽ lại những bức tranh. Các bạn mê sản phẩm handmade có thể tìm hiểu các làng nghề truyền thống…
Viết bài cảm nhận
Đi du lịch bạn nên tập thói quen viết bài cảm nhận về những gì trải nghiệm tại nơi đó. Bạn không cần bạn phải văn chương tuôn chảy đâu, viết tự nhiên như đang tưởng tượng lại những mùi vị của các món ăn bạn đã thưởng thức trong ngày. Những ấn tượng về nơi ấy sẽ được in sâu vào ký ức bạn. Một ngày nào đó, trong một cuộc phỏng vấn xin việc, nếu bạn có thể nói vanh vách về quê hương của một sếp nước ngoài như nói về chính quê hương mình nhờ những ký ức sâu sắc đã có thì tin chắc bạn sẽ lọt vào mắt xanh của ông sếp ấy rồi đó. Với các bạn có khiếu văn chương, mỗi bài viết ấy rất có thể sẽ được các trang tạp chí du lịch sử dụng hoặc trở thành một quyển sách ký sự nổi tiếng trong tương lai không xa (xem thêm Ví dụ)
Sưu tập quà lưu niệm
Nếu thật sự hành trang “viết lách” quá khó cho một số bạn thì hãy tìm cho mình một thói quen sưu tập quà lưu niệm đặc trưng của những nơi bạn từng đặt dấu chân qua, tốt nhất là món đồ ấy có gắn với đam mê hoặc ngành nghề của mình: tiền xu, cục hít tủ lạnh, linh vật địa phương… Mình từng thấy nhiều cô chú anh chị nhờ vào thú vui nghe chừng như đơn giản này mà đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà họ sưu tập đấy nhé!
Kết hợp làm công tác xã hội
Nhiều bạn trẻ phương Tây thường có sở thích đi đến một nơi xa lạ, xin làm một số công việc để có trải nghiệm và đổi lấy chỗ ở hoặc bữa ăn. Cách làm này sẽ mang đến rất nhiều trải nghiệm thú vị nhưng khá rủi ro và nhiều cạm bẫy. Giải pháp lựa chọn tốt hơn là du lịch kết hợp với các hoạt động xã hội do các tổ chức tình nguyện phát động. Bạn sẽ không những được đi mà còn được trải nghiệm cách sống tập thể và mang niềm vui đến cho nhiều người.
Nhiều bạn sinh viên thường hay phàn nàn rằng các đơn vị tuyển dụng không tuyển dụng mình vì luôn đòi hỏi phải kinh nghiệm. Các bạn du học sinh cũng không ngoại lệ! Thật ra bạn hoàn toàn có thể đưa ra cách chứng minh năng lực bản thân khác mà không dựa trên kinh nghiệm làm việc. Đó chính là đưa ra những kế hoạch chi tiết về các chuyến đi, những hình ảnh công tác xã hội, những bài báo về du lịch được đăng trên tạp chí, những bức ảnh đẹp mình chụp, những bức tranh mình vẽ, những bộ sưu tập mình có, những con người mình quen biết, những kiến trúc độc lạ mình từng nhìn thấy… Vậy nên, nếu “chơi” đúng cách thì sẽ có được những kinh nghiệm quý báu rồi đấy các bạn nhé!
Thế giới thật ra là tất cả những gì chúng ta tiếp xúc được qua các giác quan. Khi bạn được nhìn ngắm, lắng nghe, tiếp xúc, nếm trải với những điều mới mẻ một cách sâu sắc thì thế giới của bạn sẽ càng rộng lớn và con đường dẫn đến thành công của bạn trong tương lai sẽ càng rộng mở.
Bài này viết cho đối tượng du học sinh và những ai có điều kiện du lịch thế nhưng các bạn trong nước hoàn toàn có thể áp dụng tương tự. Còn với các bạn du học sinh: chần chờ gì nữa mà chưa lên kế hoạch ngay cho những kỳ nghỉ tới!
Phong Vân