Hôm cuối tuần đi ngắm hoa đào cùng một em nữ sinh viên sang đây học thạc sĩ Marketing. Em nói: “Em qua đây mới thấy những lý thuyết em học ở trường nó lạc hậu khoảng 30 năm. Em thấy hối tiếc về 4 năm em đã học ở Việt Nam. Thầy em bên này cũng khuyên không đọc sách mà bảo tụi em nên đọc các article nghiên cứu vì sách cũng lạc hậu so với các nghiên cứu khoảng 10 năm”.

Screen Shot 2017-07-19 at 1.15.06 PM

Ý kiến của mình thì đúng là ở Việt Nam các giáo trình lạc hậu thiệt (dù rằng lạc hậu vậy thì nó phù hợp với điều kiện và bối cảnh Việt Nam) và giảng viên có đổi mới cấp tiến thì cũng chỉ bê giáo trình mới ra giảng thôi chứ ít khuyên sinh viên tập đọc các bài nghiên cứu khoa học vì nhiều lẽ:

1. Thầy cũng chưa bao giờ đọc và đọc thầy cũng không hiểu vì thầy trước giờ cũng được dạy như các em.

2. Thầy có biết nhưng nghĩ là sinh viên không đủ trình để hiểu. Vì các bài viết học thuật thường khó hiểu và ngôn ngữ học thuật.

3. Các bài nghiên cứu cần có tài khoản đăng ký để tải về, không thì phải mua với giá trung trình 20-30usd/bài.

Tuy nhiên, để cập nhật được xu hướng thế giới (thực tiễn) và bước vào con đường nghiên cứu (học thuật) thì theo mình các trường nên tập giới thiệu cho sinh viên tiếp cận với chuẩn học thuật thế giới ngay từ khi học đại học. Đọc bài nghiên cứu giúp sinh viên hiểu sâu nguồn gốc của các khái niệm và những hạn chế đang tồn tại của khái niệm, từ đó có cái nhìn phản biện và mong muốn nghiên cứu xa hơn. Đọc article cũng giúp sinh viên hiểu nghiên cứu khoa học là gì (một vấn đề còn rất mơ hồ kể cả với sinh viên cao học và nhiều giảng viên).

Một ví dụ đơn cử về các chuyển biến trong lĩnh vực Marketing, trong khi ta mới loay hoay 4Ps lấy sản phẩm làm đối tượng của trao đổi còn Logic nhận thức mới thì “Services” (được hiểu là sự vận dụng tài năng, trí tuệ, cải tiến công nghệ vào sản phẩm) mới thực sự là cái được trao đổi, sản phẩm chỉ là công cụ trung gian. Chúng ta còn đang chập chững quan tâm đến “trải nghiệm mua hàng của người tiêu dùng” thì thế giới đã đi sâu vào “hành trình trước – trong – sau mua hàng của người tiêu dùng”…Đại loại là nếu không đọc cái mới chúng ta cứ quan tâm đến bán cây kim sợi chỉ, con cá, hạt gạo…trong khi thế giới chỉ lấy mấy thứ đó làm trung gian. Người ta không sản xuất, không trồng, không nuôi mà vẫn có cái bán và bán nhiều tiền. Các ý tưởng khởi nghiệp từ đó cũng sẽ vươn ra tầm vóc mới.

Screen Shot 2017-07-19 at 1.15.26 PM

Riêng với các nghiên cứu sinh, việc đọc-đọc-đọc các articles nghiên cứu là bắt buộc. Ở cấp nghiên cứu sinh bậc Tiến Sĩ (các ngành kinh tế xã hội), vấn đề quan trọng không phải là kiểm chứng thực tiễn mà phải biết nhận dạng các hiện tượng bằng tư duy cấu trúc. Luận án tiến sĩ không phải là sự mở rộng phạm vi nghiên cứu và ngược lại nó đi sâu vào bản chất. Muốn làm được điều đó, trước tiên người nghiên cứu phải có tư duy học thuật. Trước khi viết một đề nghị nghiên cứu (research proposal) ở một lĩnh vực nào đó ta cần dành ít nhất 1 năm thời gian để đọc articles để hiểu rõ trong từng lĩnh vực nghiên cứu người ta chú trọng “concept” gì? toàn cảnh nghiên cứu đã đi tới đâu? Còn những lổ hỗng nào? (Gaps). Từ đó biết được mình sẽ đóng góp gì vào trong bức tranh tổng thể đó!

Tuy đọc bài nghiên cứu quan trọng là thế nhưng  ccả thầy lẫn trò Việt Nam chưa hình thành thói quen đó. Hãy bắt đầu từ bây giờ nếu bạn muố mở rộng chân trời hiểu biết!  Các bạn có thể search tìm từ Google vô số bài có giá trị. Ngoài ra, có một trang chia sẻ bài nghiên cứu đủ mọi lĩnh vực trên trang trung gian: http://sci-hub.bz

Screen Shot 2017-07-19 at 1.10.55 PM.png

Chúc các bạn tiến bộ!