Pháp môn Làng Mai là những phương thức thực hành thiền Chánh Niệm do sư ông Làng Mai (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) khởi xướng giúp người thực hành tìm thấy được sự bình an trong thân tâm và có đời sống an lạc ngay trong giây phút hiện tại.

Trong cuộc sống thường nhật chúng ta bị Vô thức dẫn dắt, chúng ta dễ bị những cảm xúc lôi kéo gây nên những hậu quả, những khổ đau trong cuộc sống mà không nhận ra được sự trỗi dậy của những cảm xúc vô thức ấy.

langmai
Muốn tránh được khổ đau, có được sự an lạc đích thực, Sư ông Làng Mai theo tinh thần của đức Phật, căn dặn chúng ta phải có một đời sống tỉnh thức. Và phương pháp để có đời sống tỉnh thức là thực hành Chánh Niệm (Mindfulness). Chánh Niệm là khả năng nhận biết tất cả những gì đang xảy ra, là một cách để tâm ta có một gốc rễ vững chắc giúp ta không bị lung lay trong sóng gió cuộc đời. Là người mới thực hành, chúng ta có thể hiểu đơn giản là sự tập trung vào từng hành động của chúng ta mọi lúc mọi nơi.

Tâm của chúng ta luôn bị lôi kéo về quá khứ hoặc tương lai và hay nghĩ về những chuyện tiêu cực. Nghĩ về quá khứ ta sẽ buồn khổ tiếc nuối, nghĩ về tương lai ta lo lắng, sợ sệt. Nhưng quá khứ thì đã qua, mà tương lai quyết định bởi hành động của ta vào ngày hôm nay, ngay lúc này và tại đây.

Do vậy Pháp môn Làng Mai sẽ dạy chúng ta tập trung nhiều vào hơi thở và nhận biết những hành động ta đang làm trong giờ phút hiện tại, giúp tâm an định thông qua những bài tập sau:

1. Ngồi thiền:

Thiền sinh được dạy theo dõi hơi thở theo “Kinh Quán niệm hơi thở”: Thở vào ta biết mình đang thở vào, thở ra biết mình đang thở ra, thở vào một hơi ngắn biết mình đang thở vào một hơi ngắn…Với người mới tập, mục đích là giúp chúng ta tập dừng lại ở việc định tâm, khi thực hành lâu dài chúng ta sẽ được tập quán sát sự thay đổi của mọi sự vật hiện tượng và các triết lý sâu sắc hơn. Tuy nhiên, trước mắt lợi ích là giúp chúng ta học quay trở về với bản thân thông qua việc theo dõi hơi thở. Khi ta biết theo dõi hơi thở là ta đã có khả năng tạo ra năng lượng bình an. Các sư thầy, sư cô sẽ có hướng dẫn cụ thể.

2. Thiền hành:

Thường khi đi chúng ta cứ đi như bị ma đuổi, chân không chạm đất, tâm bị chạy về đích đến hoặc nghĩ vẩn vơ quá khứ, tương lai. Thiền hành giúp cho ta có sự bình an qua từng bước chân. Ta được dạy đi chậm, theo dõi hơi thở cùng lúc với theo dõi bước chân. Đi như ta đang đặt bàn chân hôn lên đất mẹ. Khi ta có sự bình an và bước đi thong dong ta có thể nhận diện được những cảm giác hạnh phúc khác như: ta còn sức khỏe để bước đi, ta còn đôi chân để đi, ta được tĩnh tâm để nghe tiếng chim hót, tiếng côn trùng kêu…

3. Thiền ăn:

Cũng như khi làm các hành động khác. Khi ăn chúng ta cũng bị nghĩ vẩn vơ về quá khứ hay tương lai mà quên tiếp xúc sâu sắc với thức ăn. Ăn bào ngư, vi cá nhưng tâm bị chạy theo những lo lắng trong tương lai. Thiền ăn giúp ta biết mình đang ăn gì, biết thấy được hương vị thật sự của từng loại thức ăn. Ăn trong Chánh Niệm giúp ta có cảm giác hạnh phúc và dấy khởi lòng biết ơn. Các sư cô sư thầy sẽ có đọc 5 phép quán trước khi ăn để chúng ta tập nhìn đúng về thức ăn và hành động ăn giúp ta có an lạc. Thiền ăn được tổ chức dưới dạng khất thực, nghĩa là xếp hàng đi lấy thức ăn. Trong lúc đi lấy thức ăn ta có thể tập theo dõi hơi thở và bước chân đã được học ở mục 1-2. Chờ đợi lúc khất thực cũng là 1 cơ hội để thực tập theo dõi hơi thở và kiềm chế sự nôn nóng.

4. Thiền rửa bát:
Sau khi ăn chúng ta được thực tập rửa bát trong Chánh Niệm. Pháp môn này cho ta thấy rửa bát vốn 1 việc nhàm chán, khó chịu nhưng cũng có thể mang đến hạnh phúc nếu chúng ta biết nhận diện. Ta được dạy nên xem việc rửa bát như đang tắm một vị Bụt (Phật) sơ sinh với sự tập trung và lòng trân trọng. Một chiếc bát dơ nhúng qua 4 thau nước sẽ trở thành 1 chiếc bát sạch và cảm giác mát lạnh ở tay. Ít khi nào ta nhận diện được cảm giác đó! Khi xếp hàng đợi rửa bát ta lại được dịp thực hành đứng yên theo dõi hơi thở!

5. Thiền buông thư:
Buông thư, thả lòng cơ thể hoàn toàn, cảm ơn từng bộ phận cơ thể và lắng nghe cơ thể mình. Buông thư nhiều vị hiểu lầm là đi ngủ nhưng không hẳn như vậy. Buông thư chắc chắn sẽ giúp ta dễ đi vào giấc ngủ hơn. Ta lại tiếp tục được yêu cầu nằm thả lỏng, cơ thể như một bè lau được thả trôi nên mặt nước, đất mẹ đã nâng đỡ ta rồi không có gì phải đề phòng. Ta được hướng dẫn lắng nghe hơi thở, được ru ngủ bằng những bài thiền ca…

6. Thiền Trà và Chia Sẻ pháp đàm.
Sau một buổi sáng được thực hành nhiều pháp môn ở trên, ta sẽ cùng ngồi thư giãn thưởng thức một ly trà trong Chánh Niệm, nhận biết xung quanh ta là những người bạn đồng tu chân thành. Tiếp đó sẽ cùng chia sẻ về những bài pháp thoại hoặc những khúc mắc đau khổ trong cuộc sống.

Ngoài ra Pháp Môn Làng Mai còn có rất nhiều những bài tập khác đươc tổ chức trong các khóa tu dài ngày như: Thiền Ôm, Thiền chấp tác (làm việc), Làm Mới, Thực hành 3 cái lạy, 5 cái lạy, chia sẻ về thực hành 5 giới tân tu…. Trong 1 ngày Quán Niệm (khóa tu 1 ngày)  mục đích là giúp ôn tập hoặc nhắc nhớ lại những pháp môn đã học được từ các khóa tu dài ngày trở lên theo Pháp Môn Làng Mai (như đã nói ở trên).

Thời khóa của một ngày Quán niệm thường có: hát thiền ca, đi thiền hành, nghe pháp thoại, thiền ăn, thiền buông thư, pháp đàm và thiền trà… Với người mới tham gia lần đầu sẽ có đôi chút bỡ ngỡ do chưa hiểu sâu sắc ý nghĩa và lợi lạc của từng pháp môn. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rất nhiều đại chúng tham gia quán niệm cứ làm theo đại chúng thì vẫn có nhiều năng lượng bình an và lợi lạc nhất định.

Quý vị có thể xem thêm 4 clip phim “Phiêu Bồng” trên Youtube, đặc biệt về Sư Ông (clip1) và Pháp Môn (clip3) để hiểu hơn. Quý vị tham gia không cần chuẩn bị gì nhiều ngoài một ngày buông bỏ những lo toang thường nhật, gác lại facebook, internet…, hạn chế tối đa việc nói chuyện, tập trung cùng Tăng thân thực hành Chánh niệm trong từng pháp môn. Niềm hỷ lạc, an nhiên sẽ tự nhiên mà đến. Có thể mang theo trẻ em từ 5 tuổi trở lên.

Về cách xưng hô: Làng Mai gọi Phật là Bụt, tự xưng hô với mọi người là con để thể hiện sự khiêm cung. Trước khi trình bày 1 vấn đề trong pháp đàm chia sẻ thì nói “Kính bạch sư ông, quý sư thầy sư cô và toàn thể đại chúng, con xin phép được chia sẻ….”

Ở khóa tu, tiếng chuông/tiếng gõ đồng hồ là một dụng cụ rất quan trọng. Khi nghe chuông mọi người cùng ngừng tất cả hoạt động-trò chuyện và lắng nghe hơi thở dù đang làm gì. Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt bảo ta hãy trở về lắng nghe nội tâm mình.

thu phap lang mai

Sau khi thực hành một ngày quán niệm, nghe giảng pháp thoại với nhiều bỡ ngỡ, mọi người sẽ cảm thấy lạ lẫm với nhiều từ ngữ chuyên môn. Không sao cả, cứ biết là mình đang mới đi học mẫu giáo. Quan trọng là mình đã nhận diện được vô thức phải chế ngự nó, tập lắng nghe hơi thở. Mỗi khi ra một quyết định hoặc hành động ta tập hít thở thật sâu và khi có sự trỗi dậy của một cảm xúc (buồn vui, giận dữ…) ta lại hít thở để giúp cho nó không trỗi dậy quá mức. Quý vị sẽ được hướng dẫn tìm đọc thêm những quyển sách phù hợp!

Hơi thở chánh niệm, hơi thở của an lạc! Một ngày tu tập là một ngày không mong cầu!

 

 

 

 

 https://youtu.be/byNG40k37RQ