Tác giả: Lâm Kiến Thành

Người dịch: Lương Hà – Phương Anh

Screen Shot 2017-06-12 at 12.40.45 PM

• Vị Tulku (Phật sống) tái sinh đầu tiên ở Đài Loan
• Việc ra đời của ngài vén lộ bức màn bí mật về nguyên tắc truyền thừa trong Mật tông Tây Tạng
• Quá trình nhận chứng thân phận ngài được tiến hành nghiêm mật với nhiều trắc trở

  • Quá trình học đạo của ngài nghiêm túc đầy khổ luyện
  • Ngài tái sinh để gánh vác mong đợi của chúng sinh
  • Ngài kiên định lòng từ bi, nguyện một lòng hoằng pháp lợi thaSách xếp hạng nhất trong Top thể loại “Tiểu sử lịch sử” năm 2005 của công ty phát hành sách Kim Thạch Đường (Đài Loan) và hạng 6 bảng danh sách bán chạy nhất thể loại “Khoa học nhân văn” năm 2005 của nhà sách Thành Phẩm (Đài Loan)

Screen Shot 2017-06-12 at 12.30.11 PM

 

Lời giới thiệu 1: Gieo hạt bồ đề cho hiện kiếp và lai sinh

Bhumang Tulku[1] Rinpoche [2], hóa thân của Phục Tàng Sư[3] Lingpa, là tái sinh của Lochephel Rinpoche thứ 3 chùa Bhumang ở Nangchen thuộc khu Kham, Tây Tạng.

Trong lần tái sinh này, linh đồng đã phải trải qua nhiều gian nan trắc trở mới được tìm thấy và xác chứng thân phận. Đó là cả một quá trình có nhiều nhân duyên thù thắng không thể diễn tả bằng lời.

Lâm Kiến Thành là một ký giả có óc quan sát tỉ mỉ, có nghiên cứu sâu về Tây Tạng. Quyển sách “Bhumang Tulku Rinpoche và hành trình Bồ Tát Đạo” gồm 15 chương của anh như có được sức mạnh của vầng trăng ngày rằm phóng rọi hào quang diệu kỳ. Quyển sách đã ghi chép nhiều nội dung thực tế bao gồm quá trình tái sinh và tìm kiếm tung tích của Bhumang Tulku Rinpoche; Lược sử Phật Giáo và tiểu sử đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni; Sự phát triển các tông phái Phật Giáo; Học viện Phật Giáo Jangchubling; và về tư duy của Bhumang Tulku Rinpoche đối với Phật pháp.

Quyển sách này tuy chương mục sơ giản, nhưng có sức ảnh hưởng vô cùng sâu sắc. Thông qua câu chuyện của Bhumang Tulku Rinpoche, ngoài việc có thể hiểu sâu hơn ý nghĩa của việc tái sinh trong Phật Giáo Tạng truyền, độc giả còn biết cách vận dụng Phật pháp để có được những cảm hứng cho đời sống.

Quyển sách “Bhumang Tulku Rinpoche và hành trình Bồ Tát Đạo” có lợi ích và trợ duyên lớn lao đối với những ai có lòng học Phật và lòng tin nơi Chánh pháp.

Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ

Nhập thế xuất thế đều viên mãn.

Đức Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche

Pháp chủ dòng truyền thừa Drikung Kagyu

Ngày 25 tháng 11 năm 2004 (Năm Mộc Hầu Tạng Lịch)

[1] Tulku: trong tiếng Tạng có nghĩa là “vị tu hành tái sinh” hay “ứng hóa thân” hay “Phật sống”, là từ tôn xưng dùng để gọi những bậc được chứng thực là đại tu hành giả tái sinh. Tiếng Mông Cổ cũng có từ tương đương là Hutukutu (ND)

[2] Rinpoche là danh hiệu có nghĩa “cao quý” và được sử dụng trong hai trường hợp. Trường hợp phổ biến là dùng để tôn gọi vị được công nhận là tái sinh của một vị đạo sư đời trước (ND).

[3] Phục Tàng Sư hay Derdon là một phẩm hàm trong tông phái Nyingma, chỉ những người tu hành có năng lực phát hiện “kho tàng ẩn giấu”. Theo tương truyền, Đạo sư Liên Hoa Sinh (Guru Padmasambhava) khi đến Tây Tạng đã dự báo Phật Giáo Tây Tạng sẽ tạm thời diệt vong. Ngài bèn đem kinh điển mang đi cất giấu ở nhiều nơi khác nhau, cho thần linh bảo hộ, đợi hậu thế phát hiện. “Kho tàng ẩn giấu” chính là những pho kinh sách ấy (ND).