Khen ngợi nhiếp ảnh gia Nguyệt Vy hay viết về các tác phẩm của chị có lẽ là chuyện quá thừa thải. Đã có quá nhiều bút mực của báo chí trong và ngoài nước khai thác gần như mọi ngóc ngách của “bà phù thủy” nhiếp ảnh tài hoa này.
Chỉ muốn hoài niệm lại một chút rằng chị là người nghệ sĩ làm nên nhiều kỳ tích trong giới nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Những “Trở về”, “Chốn xưa”, “Tẩy trần”, “Nguồn Xưa”…và nhiều tác phẩm khác của chị từng như cá chép lội ngược dòng, ngoạn mục vượt vũ môn hóa thân thành các tác phẩm hội họa. Cũng thật lạ lùng, khi 20 tác phẩm nhiếp ảnh của chị từng được vinh dự sánh vai các tác phẩm hội họa của các đại danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Dương Thành… trong cuộc trưng bày tại Stockhom năm 2000 về hình ảnh và con người Việt Nam nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển.
Nhưng rồi năm 2012, “bà phù thủy” chuyên phủ hồn xưa lên thế giới hiện đại ấy đột ngột “theo chồng bỏ cuộc chơi” khiến vô số người phải luyến tiếc. Nhiều người cũng từng hy vọng rằng sang thủ đô Paris hoa lệ, chất nghệ sĩ của chị sẽ lại được thăng hoa trong cái không gian lãng mạn hào hoa của kinh đô ánh sáng. Ấy vậy mà, bẵng đi chừng ấy năm, người hâm mộ Việt Nam vẫn mỏi mòn trông đợi những tác phẩm mới của chị trong vô vọng.
Từng bị “Trở về” của chị mê hoặc, từng xem người mẫu Thủy Tiên nền nã thướt tha buông gót ngọc bước xuống xe thổ mộ như là mẫu người tình trong mộng. Luật hấp dẫn đã giúp tôi may mắn được gặp chị do cần phỏng vấn những người đã mang hình ảnh văn hóa Việt Nam ra thế giới nhằm phục vụ cho luận án tiến sĩ về đề tài hình ảnh quốc gia. Đó là một cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng vô cùng thú vị. Tôi cũng nghĩ mình đã tìm ra câu trả lời về sự ẩn mình của chị bao năm qua.
Chị sống trong một căn hộ khá đẹp ở quận 10 trung tâm Paris, cách bố trí sắp đặt trong nhà rất cổ điển với nhiều điểm nhấn lạ lẫm nhưng không đậm chất Việt Nam như tôi mong đợi. Tuy nhiên không để tôi phải thất vọng, chị đã mang đến cho tôi cả một thiên nhiên đất trời Việt Nam bằng món bánh tráng thịt luộc chấm nắm nêm cùng một mâm rau sống đủ loại. Với những ai từng sống ở trời Tây đắt đỏ mới hiểu được để có một bữa ăn đậm chất hồn quê như vậy thật chẳng dễ dàng. Trong cái cảm giác vui sướng được thưởng thức món ăn Việt Nam đúng chất, chúng tôi đã bắt đầu một cuộc lãng du trở về quá khứ.
Hình ảnh Việt Nam bắt đầu hiện ra qua lời kể say sưa của chị thật nhẹ nhàng mà tươi mát. Đó là hình ảnh của chính con người chị thủa thiếu thời, một thiếu nữ tuổi 15-16 tung tăng và ngây thơ như nàng Ngọ của Ngày Xưa Hoàng Thị. Rồi nàng lớn lên trong sự săn đón, chìu chuộng của những gã trai Sài Thành ga-lăng thập niên 70. Nàng say mê tiếng hát điệu đà ma mị của danh ca Thái Thanh qua những bản tình ca đậm chất quê hương của Phạm Duy, Văn Cao như Tình Hoài Hương, Người Mẹ Quê, Đàn Chim Việt, Tình Ca….ở Đêm Màu Hồng.
Chị kể về Việt Nam đúng kiểu của một nhiếp ảnh gia, lúc thì toàn cảnh bụi tre, đồng lúa, để mô tả bối cảnh… lúc thì đi sâu vào tận từng chi tiết nhỏ nhặt như chiếc yếm đào Bắc bộ, hoa văn trên loại gấm đoạn dùng để may những chiếc áo dài thời sang trọng của chị…Rồi chị thốt ra một câu tuy bâng quơ nhưng nó giống như lời khẳng định về tuyên ngôn sáng tác của mình: “Chị đâu phải dân không sành điệu, không hiện đại…nhưng có lẽ do càng tiếp xúc với thế giới sang trọng và đẳng cấp chị càng quý và càng muốn níu kéo những hồn xưa vốn cũ”.
Rồi chị diễn tả lại kỷ niệm vui về những chuyến đi sáng tác ngày xưa của chị. Đứng ngược sáng quay mặt về phía tôi, điệu bộ và cử chỉ của chị làm tôi liên tưởng hình ảnh NSND Phùng Há đang ra bộ thị phạm vai Lã Bố trong vở Phụng Nghi Đình cho các nghệ sĩ trẻ mới vào nghề…
Bị vô số hình ảnh liên tục hiện lên như những thước phim điện ảnh xưa về Việt Nam liên kết lại trong não bộ, khiến tôi buộc miệng kết luận thay cho chị: “Theo em, những bức ảnh của chị thật ra sự truyền tải những lời ca đậm chất Việt của Phạm Duy, cái luyến láy của Thái Thanh và cái “lên đồng” rút ruột nhả tơ của má bảy Phùng Há. Chị thấy đúng không?”. Mắt người nữ nghệ sĩ nhiều năm xa quê ánh lên sự thích thú lẫn cảm kích. Có vẻ như lâu lắm rồi chị mới gặp được một người lạ có thể hiểu và giải thích được nội tâm của chị như một người tri kỷ.
Nhưng rồi không gian lại chùng xuống trong cái se lạnh của Paris chuyển mùa khi tôi đề cập về sự hội nhập của chị trong môi trường mới. Mắt chị nhìn xa xăm, giọng ngấn buồn: “Càng xa quê chị càng thấy rõ, cảm hứng của người nghệ sĩ như chị thì ra được nuôi dưỡng bằng hình bóng quê nhà. Với chị, Paris không phủ nhận là rất hào nhoáng, rất sang trọng; người mẫu ngoại diễn tự nhiên và chuyên nghiệp. Nhưng mỗi khi cầm máy lên thì có một nỗi nhớ quê da diết cứ dâng trào trong chị”.
“Hai chữ Trở Về, tên bức tranh vốn làm nên tên tuổi của chị giờ nó hình như đã thành lời kêu gọi của định mệnh. Chị đã xa quê hương trong địa lý rồi, chị sợ và chị không muốn sự nổi tiếng nơi xứ người kéo ra khỏi quê hương cả trong tâm thức. Hai chữ “Trở về” cứ ám ảnh và thôi thúc trong từng suy nghĩ và hành động. Nhiều cuộc triển lãm mời gọi, nhiều lời mời sáng tác mới chị đều từ chối hết”. Chị bộc bạch trong tiếng thở gấp kiểu như đang vừa bừng tỉnh khỏi một cơn ác mộng.
Tôi đã hiểu và đó là câu trả lời cho những ai thắc mắc về sự vắng mặt của chị trên diễn đàn nhiếp ảnh Việt. Nhưng có lẽ lựa chọn của chị là đúng. Như nhạc sĩ Phạm Duy cũng từng nói: “Về thôi, làm gì có trăm năm mà đợi, làm gì có kiếp sau mà chờ…”
“Đất nước cong cong hình chữ S ở tít bên bán cầu kia thật kỳ lạ. Một khi cây tâm thức ai đã cắm rễ sâu vào nó rồi thì dù hạt giống sau này có được mang đi rải khắp nơi, khi lớn lên trên đất khách lá cứ vẫn muốn rụng về cội”. Chắc chắn rằng cũng đang có nhiều người đồng cảm với chị và chờ đợi chị hoàn tất hành trình “Trở về”. Trong đó có cả tôi.
Lương Hà